I – Kiến thức về triệu chứng, nguyên nhân về bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Bệnh tiêu chảy ở trẻ do virus có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu cha mẹ không điều trị kịp thời. Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em do, tác nhân chủ yếu là do virus, vi trùng hoặc kí sinh trùng. Khi bị tiêu chảy kéo dài mà không được chữa trị sẽ khiến trẻ sút cân, kém phát triển, lâu dần có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Table of Contents
1. Tiêu chảy ở trẻ em có nguy hiểm không?
Vậy triệu chứng bệnh tiêu chảy ở trẻ là gì, nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em, cách điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ hiệu quả,….tất cả sẽ được chia sẻ chi tiết trong thông tin bài viết dưới đây, mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo nhé.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì trung bình mỗi năm sẽ mắc 1-3 đợt bệnh tiêu chảy. Phần lớn trẻ tử vong do tiêu chảy gặp dưới 2 tuổi và sống tại những nước đang phát triển.
Ngoài ra, do trẻ có thể bị nhiều đợt tiêu chảy trong một năm, đôi lúc phải nhập viện, làm ảnh hưởng đến việc học tập, công việc của cha mẹ và là một gánh nặng cho kinh tế gia đình và xã hội.
Nếu tiêu chảy không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, trẻ sẽ bị “cạn nước trong người” dần, (từ chuyên môn gọi là “có dấu mất nước”). Nếu cơ thể “cạn nước” thì sẽ hoạt động yếu dần. Nếu không bổ sung kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, tiêu chảy cũng làm rối loạn các chất khoáng trong cơ thể. Nếu tiêu chảy kéo dài sẽ dễ đưa đến suy dinh dưỡng, sẽ làm tiêu chảy khó điều trị hơn, và có thể bệnh lý ngày càng nặng và khó kiểm soát. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong.
2. Nguyên nhân bệnh tiêu chảy ở trẻ
Bệnh tiêu chảy ở trẻ có thể do nhiều lý do, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm trùng. Tác nhân có thể là virus, vi trùng, hoặc ký sinh trùng, mỗi loại có biểu hiện và cách điều trị khác nhau.
Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn (thường gặp bất dung nạp lactose là một loại đường có trong sữa), chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài, v.v…
Mặc dù hầu như bé nào cũng mắc tiêu chảy ít nhất 1 lần trong đời, nhưng có những bé dễ bị tiêu chảy hơn các bé khác.
Nhóm trẻ này được gọi là trẻ có nguy cơ cao, bao gồm: những trẻ trong độ tuổi 6 tháng – 2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ không có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ có chế độ ăn không hợp vệ sinh (ví dụ bú bình không đảm bảo vệ sinh, thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, v.v…).
Tiêu chảy thường xảy ra kèm với sốt, buồn nôn, nôn, chuột rút và mất nước. Một số trong những lý do phổ biến khiến trẻ em bị tiêu chảy bao gồm: nhiễm virus như rotavirus, vi khuẩn như Salmonella và hiếm gặp hơn nữa là nhiễm ký sinh trùng như Giardia.
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Cùng với tình trạng phân lỏng hoặc chảy nước, các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột do virus thường bao gồm nôn mửa, đau bụng, đau đầu và sốt.
Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ em. Các triệu chứng thường xuất hiện rất nhanh, có thể bao gồm buồn nôn và có xu hướng biến mất trong vòng 24 giờ.
Nếu bạn và bé đã đi du lịch ngoài nước gần đây, hãy cho bé đi khám bác sĩ, con bạn rất có thể cần phải xét nghiệm phân. Các loại thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ em cũng như người lớn.
Các nguyên nhân khác của bệnh tiêu chảy bao gồm bệnh đại tràng kích thích, bệnh Crohn, dị ứng thực phẩm và loét dạ dày. Nếu bạn không chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy của con mình, hãy đưa bé đi khám bác sĩ.
3. Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em
Uống nhiều hơn bình thường: Đây là nguyên tắc rất quan trọng, cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.
Tiếp tục cho ăn: Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú. Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Ở những trẻ có nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ.
Không nên nhịn ăn, giảm khẩu phần ăn hay pha loãng sữa vì trẻ sẽ bị giảm cân, chức năng đường ruột hồi phục chậm hơn và thời gian tiêu chảy sẽ kéo dài hơn. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.
Bổ sung kẽm: các nhân viên y tế sẽ cho bé uống bổ sung kẽm dưới dạng viên hoặc nước, uống l0-14 ngày. Kẽm góp phần giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp giảm nguy cơ tiêu chảy trong thời gian tới.
4. Khi nào đưa trẻ đi bệnh viện
Đưa trẻ tiêu chảy trở lại cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ không ăn uống được và bỏ bú
- Sốt cao hơn
- Trẻ rất khát nước
- Trong phân có máu
- Bệnh diễn tiến không khá hơn sau 2 ngày điều trị
5. Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em như thế nào
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
- Cho ăn dặm đúng cách, hợp vệ sinh và đầy đủ các chất (đạm, béo, đường, hoa quả).
- Sử dụng nước sạch.
- Ăn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách.
- Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn, hoặc sau khi trẻ đi tiêu.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.
6. Chăm sóc khi bé bị tiêu chảy kéo dài
Bệnh tiêu chảy ở trẻ khiến bé bị mất nước, mệt mỏi, sút cân và nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và bội nhiễm. Các bà mẹ vẫn hết sức băn khoăn không biết phải chăm sóc con thế nào để bé nhanh khỏi bệnh.
Nhận biết tiêu chảy kéo dài ở trẻ em
- Tiêu chảy kéo dài là một đợt tiêu chảy cấp kéo dài liên tục trên 14 ngày.
- Tính chất phân: Phân sệt, không nhiều nước – Phân sống – Số lần đi tiêu thường phụ thuộc vào số lần ăn.
- Tất cả các tác nhân gây tiêu chảy cấp đều có thể gây tiêu chảy kéo dài.
- Khoảng 3 – 10% trẻ bị tiêu chảy cấp trở thành tiêu chảy kéo dài.
Những yếu tố có tính chất quyết định làm cho bệnh tiêu chảy ở trẻ trở thành tiêu chảy kéo dài:
- Trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng.
- Trẻ có một chế độ nuôi dưỡng không phù hợp với lứa tuổi.
- Trẻ trải qua quá trình điều trị bằng kháng sinh kéo dài liều cao tích cực trong cả nhiễm trùng đường ruột và ngoài đường ruột.
- Trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hoá nhiều lần.
- Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy kéo dài:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
- Trẻ nuôi bằng sữa bò.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch như suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh AIDS.
Hậu quả của tiêu chảy kéo dài:
- Do một thời gian mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ kéo dài, khả năng hấp thụ của ruột giảm nên dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
- Tình trạng mất nước và rối loạn điện giải đi kèm tiêu chảy kéo dài (nhưng thường không nặng bằng tiêu chảy cấp).
- Bội nhiễm: trong trường hợp tiêu chảy kéo dài trên cơ địa suy dinh dưỡng nặng thường là nguyên nhân chính gây tử vong cao ở những trẻ này.
Hướng điều trị tiêu chảy kéo dài:
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Bù nước và điện giải.
- Điều trị tình trạng bội nhiễm đi kèm.
- Những điều bà mẹ nên làm khi trẻ bị tiêu chảy:
- Cho trẻ tiếp tục ăn và uống thêm ORS.
- Phát hiện sớm dấu hiệu mất nước.
- Đưa trẻ đi khám đúng lúc.
- Bỏ các tập quán sai lầm như: cho trẻ nhịn ăn khi bị tiêu chảy, kiêng không cho trẻ ăn các thức ăn giàu năng lượng, bổ dưỡng vì sợ trẻ ăn không tiêu…
- Biết theo dõi cân nặng cho trẻ theo biểu đồ tăng trưởng.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không được sử dụng những loại thuốc như: thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm nhu động ruột, thuốc hấp thụ nước, thuốc chống ói.
- Không sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Phải cho trẻ ăn thêm một bữa trong ngày ít nhất là 2 tuần sau khi hết tiêu chảy nhằm phục hồi nhanh chóng tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.
- Nếu lượng nước mất được tính dưới 5% trọng lượng cơ thể lúc trẻ khoẻ mạnh được gọi là loại không mất nước: Bà mẹ cần biết cách nuôi dưỡng trẻ bị tiêu chảy kéo dài, bác sĩ có thể cấp toa thuốc điều trị tại nhà cho trẻ và khám lại trong 5 ngày.
Trong thời gian đó bà mẹ nên:
- Tiếp tục cho trẻ ăn
- Nếu trẻ bú sữa mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú bình thường.
- Nếu trẻ bú sữa bò < 6 tháng thì vẫn cho trẻ bú bình thường nhưng cho uống thêm một lượng nước chín là 100 – 200ml mỗi ngày. Trường hợp bú sữa bò bệnh tiêu chảy ở trẻ tăng thêm thì có thể dùng sữa đậu nành hoặc loại sữa không có Lactose.
- Nếu trẻ đã ăn được thì thức ăn nên nấu kỹ, nhuyễn, dễ tiêu hoá chia thành nhiều bữa trong ngày ít nhất là 6 lần/ngày.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn thô; thức ăn, nước uống chứa nhiều đường, chất béo; các loại nước giải khát công nghiệp.
- Sau khi hết tiêu chảy cho trẻ ăn thêm 1 bữa trong ngày ít nhất là 2 tuần để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.
- Cho trẻ uống nhiều nước để phòng chống mất nước: ORS là dung dịch để bù nước và điện giải trong điều trị tiêu chảy là tốt nhất, mỗi gói pha trong 1 lít nước sạch để uống.
- Lượng ORS uống trong trường hợp được điều trị tại nhà được tính theo cân nặng: 100ml cho 1kg cân nặng uống sau mỗi lần tiêu chảy.
Nếu không có sẳn ORS bà mẹ có thể pha một số dung dịch thay thế tương đương tại nhà như:
- Nước mặn ngọt: 3g muối + 18g đường + 1 lít nước sạch.
- Nước cháo muối: 3g muối + 80g bột hoặc gạo + 1,2 lít nước.
- Nước dừa muối: 1lit nước dừa + 3g muối.
Trong 2 ngày nếu trẻ có một trong 6 triệu chứng sau đây phải mang trẻ đi khám ngay:
- Trẻ bị sốt cao.
- Trẻ khát nước nhiều.
- Trẻ ăn, bú kém hơn.
- Trong phân của trẻ có máu.
- Trẻ ói nhiều lần.
- Phân nhiều nước, tiêu nhiều lần hơn.
- Nếu lượng nước mất được tính ≥ 5% trọng lượng cơ thể lúc trẻ khoẻ mạnh được gọi là loại có mất nước.
Điều trị đúng khi trẻ bị tiêu chảy cấp.
- Sử dụng kháng sinh hợp lý, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Điều trị và dự phòng suy dinh dưỡng.
7. Chữa trị và phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ
Virus Rota chính là thủ phạm cướp đi sinh mạng hơn nửa triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây ra hơn 2 triệu trường hợp nhập viện mỗi năm.
Virus Rota lây truyền rất dễ dàng. Hầu hết trẻ nhỏ đều bị nhiễm virus Rota trước lúc 5 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch và cơ quan tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên rất dễ bị tấn công.
Tại Việt Nam, tiêu chảy do virus Rota là nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ, cứ hai trẻ bị tiêu chảy cấp nhập viện thì có một trường hợp là do nhiễm virus Rota.
- Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị lây nhiễm
Virus Rota rất dễ lây lan vì lượng virus đào thải qua phân rất lớn và có khả năng tồn tại và sống dài ngày trong môi trường. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, trên các đồ vật xung quanh trẻ như: bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, nguồn nước, các vật dụng trong gia đình,…
Virus lây lan phổ biến qua đường tiêu hóa, từ phân người bệnh trước, trong và cả sau khi tiêu chảy đã hết sẽ lan truyền lên các đồ vật trong môi trường, đặc biệt là qua bàn tay. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, khả năng nhiễm virus Rota rất cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc với tay người và các đồ vật bằng chính tay, miệng của trẻ. Vì vậy trẻ cần được phòng ngừa càng sớm càng tốt.
- Biểu hiện của nhiễm virus Rota
Sau khi nhiễm Rotavirus khoảng 6 đến 12 giờ, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi đầu là sốt, nôn ói dữ dội có thể đến 15 lần/ngày. Sau đó bệnh tiêu chảy ở trẻ bắt đầu, phân toàn nước liên tục 10-20 lần/ngày.
Do trẻ vừa bị ói lại vừa tiêu chảy nhiều lần khiến không thể bù nước bằng việc uống nước như lúc bình thường. Lúc này, phải cho trẻ nhập viện để truyền dịch, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thường rất dễ bị suy dinh dưỡng vì kém hấp thu thức ăn do ruột non bị tổn thương.
- Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus Rota. Bệnh tiêu chảy ở trẻ do virus Rota thường phải nhập viện điều trị, truyền tĩnh mạch để bù dịch (do trẻ nôn ói nhiều nên khó bù dịch bằng đường uống), hạ sốt, tiếp tục cho bú mẹ, bổ sung dinh dưỡng thích hợp như cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa trong ngày và bù kẽm…
Trẻ đang và sau khi bị bệnh thải ra lượng rất lớn virus qua phân, vì vậy rất dễ dàng lây sang trẻ khác và người chăm sóc. Cần phải tách và chăm sóc riêng các trẻ bệnh.
- Phòng ngừa tiêu chảy do virus Rota
Các biện pháp vệ sinh tiệt trừ thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác như bú mẹ, cung cấp nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường không đủ bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm tác nhân này. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để bảo vệ bé khỏi sự tấn công của loại virus này là chính là chủng ngừa (tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy).
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, hãy chủng ngừa cho tất cả trẻ em để phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota. Do bệnh tiêu chảy ở trẻ thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được cho uống ngừa càng sớm càng tốt.
Các bậc cha mẹ có con dưới 6 tháng tuổi, hãy đưa bé đến trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện gần nhất để uống vắc-xin ngừa virus Rota.
8. Làm thế nào để điều trị tiêu chảy ở trẻ em?
Việc điều trị viêm dạ dày ruột do virus gây ra có thể kéo dài 5-14 ngày, trong đó điều quan trọng nhất cần làm là ngăn ngừa mất nước. Bạn có thể cho bé uống sữa mẹ bổ sung hoặc dung dịch bù nước đường uống (ORS) trong trường hợp bé là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nước uống thông thường sẽ không cung cấp đủ natri, kali và các chất dinh dưỡng khác để bù nước một cách an toàn cho trẻ em còn nhỏ, vậy nên hãy hỏi bác sĩ xem lượng nước bé cần là bao nhiêu, làm thế nào để đảm bảo bé uống đủ nước, khi nào bé nên uống nước và làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng mất nước xảy ra.
Trẻ lớn hơn khi bị tiêu chảy có thể uống bất cứ thứ gì để cấp nước, bao gồm cả ORS và các sản phẩm cấp nước khác (tên kết thúc bằng “lyte”).
Đối với tiêu chảy nhẹ do thuốc gây ra, hãy chú ý cho bé uống đủ nước. Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy của con bạn là thuốc kháng sinh, hãy cho bé tiếp tục uống thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn cho bé giảm liều, thay đổi chế độ ăn uống, uống thêm probiotic hoặc chuyển sang dùng một loại kháng sinh khác.
Nghiên cứu cho thấy sữa chua chứa khuẩn sống hoặc probiotic có thể giúp giảm tiêu chảy gây ra do kháng sinh. Probiotics giúp bổ sung các khuẩn đường ruột đã bị giết bởi thuốc kháng sinh.
Việc điều trị tiêu chảy do ngộ độc tương tự như đối với tiêu chảy do nhiễm trùng. Bạn nên cho con bạn uống đủ nước và đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
9. Lưu ý tình trạng mất nước khi trẻ bị tiêu chảy
Mất nước là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy nhẹ thường không gây mất nước đáng kể, nhưng tiêu chảy mức độ trung bình hoặc nặng có thể gây nên điều này.
Mất nước nghiêm trọng rất nguy hiểm; nó có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Sau đây là những dấu hiệu của mất nước. Hãy đi khám bác sĩ nếu con bạn mắc phải các trường hợp sau:
- Chóng mặt và choáng váng;
- Khô miệng;
- Nước tiểu màu vàng đậm, rất ít hoặc không có nước tiểu;
- Rất ít hoặc không có nước mắt khi khóc;
- Da khô và mát bất thường;
- Uể oải.
II – Trẻ bị tiêu chảy nên ăn uống gì để mau khỏi bệnh
Tiêu chảy là một bệnh thường gặp ở trẻ em vì vậy trẻ bị tiêu chảy nên ăn uống gì để mau khỏi bệnh là những câu hỏi thường gặp ở trẻ nhất ở trẻ em. Trẻ bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đặc biệt mỗi khi tiết trời nắng nóng thì bệnh tiêu chảy của trẻ lại được phát triển mạnh mẽ hơn.
Những lúc trẻ bị tiêu chảy tuy không nguy hiểm nhưng vẫn có thể dẫn đến tử vong vì mất một lượng lớn nước và muối trong cơ thể nên các bậc phụ huynh cần có một chế độ chăm sóc phù hợp giúp trẻ nhanh chóng phục hồi lại cơ thể tránh suy dinh dưỡng và các bệnh cơ hội tấn công vào trẻ khi trẻ thiếu chất đề kháng.
Hãy cùng Massageishealthy tìm hiểu chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất khi chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy nhé.
Tiêu chảy gặp nhiều ở trẻ em nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây tiêu chảy là do nhiễm khuẩn virut (Rotavirus…), vi khuẩn (E.Coli, Shigella, Campylobacter Jejuni, Samonella, phẩy khuẩn tả…), ký sinh trùng (Amip, L.Giardia).
Biểu hiện chủ yếu của tiêu chảy ở trẻ là đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần 1 ngày xảy ra đột ngột kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày) dẫn đến tình trạng mất nước trong cơ thể khiến cơ thể suy yếu và có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu không biết cách chăm sóc.
1. Cách ăn uống cho trẻ bị tiêu chảy nhanh khỏi bệnh
-
Bù nước khi bé bị tiêu chảy
Bé tiêu phân nhiều nước nên bao giờ cũng bị mất nước. Cơ thể thiếu nước sẽ đưa đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy bị tiêu chảy nhưng đường ruột vẫn hấp thu nước được. Vì vậy, phải cho bé uống bù nước ngay khi biết bé bị tiêu chảy.
Các dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (oresol), ORS II, viên hydrite. Pha dung dịch bù nước đúng là điều quan trọng giúp bé mau hồi phục và giảm thiểu tình trạng sụt cân.
Một số bé khi tiêu chảy kèm theo ói nhiều, nên việc bù nước cần thực hiện hết sức từ từ, cho bé uống từng ít một (15-20ml tương đương với 5-10 muỗng cà phê nước cho một lần uống), mỗi 15 phút uống một lần.
Bé được bù đủ nước sẽ đi tiểu nhiều, linh động, da và môi tươi tắn. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
-
Thức ăn cho trẻ tiêu chảy
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ
Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Vì sữa mẹ vẫn được dung nạp rất tốt khi bị tiêu chảy, khi trẻ bú mẹ thì tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn, do sữa mẹ có chứa đường Lactoza nên vẫn được hấp thu rất tốt khi bị tiêu chảy.
Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột mà trước đó trẻ vẫn ăn những phải cho ăn từng ít một và ăn nhiều bữa trong ngày. Nếu bú bình thì cần pha loãng hơn (giảm nửa lượng sữa, giữ nguyên lượng nước), cho ăn ít nhất 3 giờ một lần.
– Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Ngoài bú sữa mẹ, nên cho ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá như: Bột gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm. Bữa ăn vẫn cần có chất béo để tăng thêm năng lượng khẩu phần, bạn nên thay mỡ bằng dầu ăn.
Trong thời gian này bạn chỉ nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như cháo (cháo thịt gà băm nhỏ có tác dụng tốt trong quá trình điều trị tiêu chảy), súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát.
Thức ăn cần nấu kỹ, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng và đảm bảo vệ sinh. Bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa… sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng vào nước đang đun sôi trước bữa ăn.
Nên cho trẻ ăn thêm quả chín, hoặc nước quả chín: Chuối, cam, xoài, hồng xiêm để tăng lượng kali. Táo ninh nhừ hay táo nướng sẽ giúp trẻ dễ tiêu hoá hơn.
2. Những quan niệm sai lầm khi cho bé ăn trong lúc bị tiêu chảy
Nhiều người cho rằng, sữa sẽ làm “bụng trẻ óc ách” nên dừng cho con bú trong thời điểm trẻ đang tiêu chảy hoặc bản thân người mẹ không dám ăn uống gì (chỉ ăn cơm với muối) để “sữa lành” – đó là những quan điểm không chính xác, ảnh hưởng đến việc tiết sữa của người mẹ.
Thực chất, bú mẹ là cách giúp trẻ giảm nguy cơ mất nước do tiêu chảy, vì thế nên cho trẻ bú theo nhu cầu, và tăng số lần bú càng nhiều càng tốt.
Cũng có trường hợp kiêng sữa chua. Song, bạn nên cho trẻ ăn sữa chua vì sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn.
Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Một số khác cho rằng, cần phải kiêng đồ tanh vì rất khó tiêu nên tuyệt nhiên không cho con ăn dầu mỡ, tôm cá…
Nhưng những thực phẩm đó chứa rất nhiều vitamin A (hoặc tiền vitamin A), kẽm, protein, lipid v.v… là những chất rất cần thiết để tái tạo lại niêm mạc đường tiêu hóa và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ
Sự kiêng kỵ đó sẽ khiến trẻ lâu bình phục hơn, vì những thực phẩm ấy chứa các chất rất cần thiết cho việc tái tạo niêm mạc đường tiêu hóa và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
3. Những thực phẩm không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy
Đường hay các loại đồ ăn có chứa nhiều đường, bánh, kẹo các loại nước giải khát công nghiệp có thể sẽ chính là “thủ phạm” làm cho tình trạng tiêu chảy ngày càng tệ hơn. Do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.
Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
Tuyệt đối không cho trẻ ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép… chưa nấu chín và không uống nước lã.
4. Số lượng thức ăn, bữa ăn cho trẻ
Rất nhiều bà mẹ cho rằng trẻ bị tiêu chảy tức là hệ tiêu hóa “có vấn đề”. Vì thế họ cho trẻ ăn ít, hoặc nhịn để “ruột được nghỉ ngơi”, mau chóng phục hồi. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Khi bị tiêu chảy, trẻ vẫn phải được ăn uống như bình thường.
Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền.
- Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn, thì cho ăn ít hơn và tăng số bữa lên so với thực đơn.
- Thay đổi món liên tục bởi đây là thời điểm trẻ nhanh chán.
- Từ ngày thứ 5 nếu trẻ bớt tiêu chảy quay dần về chế độ ăn bình thường.
- Khi hết tiêu chảy, cho trẻ ăn bình thường trở lại, có nghĩa là khẩu phần vẫn gồm đủ 4 loại dinh dưỡng (bột, đường, chất béo, đạm), vitamin và muối khoáng.
- Sẽ thật sai lầm nếu ép buộc trẻ chỉ ăn một số món ăn mà bạn cho là ngon và bổ nhưng đôi khi những món ăn đó lại không hợp với sở thích và khẩu vị của trẻ.
- Chính vì thế, hãy để cho trẻ lựa chọn món ăn theo sở thích nhưng phải đảm bảo an toàn, như vậy trẻ có thể ăn nhiều hơn, thậm chí là ngoài mong muốn của bạn.
5. Các món cháo giúp mẹ đẩy lùi bệnh tiêu chảy cho trẻ
Khi trẻ bị tiêu chảy, bé sẽ cảm thấy rất mệt mỏi nên việc bù nước và chất dinh dưỡng là điều vô cùng cần thiết để giúp bé tránh bị mất sức.
Trong đó, các món cháo luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho mẹ bởi trẻ sẽ dễ dàng hấp thu hơn. Vậy trẻ bị tiêu chảy nên ăn cháo gì? Mẹ hãy tham khảo ngay danh sách sau đây nhé!
– Cháo gừng
Gừng có tác dụng làm ấm bụng và trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Mẹ chỉ cần chuẩn bị 50g gạo trắng cùng với 50g gừng tươi nấu chín và cho trẻ ăn trong ngày sẽ thuyên giảm tình trạng tiêu chảy ở trẻ em nhanh chóng.
– Cháo hạt sen
Nguyên liệu
- Hạt sen 100g,
- Củ mài 50g,
- Quả hồng xiêm non 15g,
- Đường phèn 20g.
Thực hiện
- Quả hồng xiêm giã dập cho vào nồi, đổ 250ml nước, đun sôi kỹ, chắt lấy nước, bỏ bã.
- Hạt sen, củ mài, sấy khô, tán thành bột, cho vào nước hồng xiêm khuấy đều, đun trên lửa nhỏ, cháo chín, cho đường phèn, đun tiếp đường tan hết là được.
- Mẹ chia cháo thành 3 phần cho trẻ ăn hết trong ngày và cho trẻ ăn liền khi cháo nóng và khi trẻ cảm thấy đói.
- Cứ như vậy cho trẻ ăn trong 2 đến 3 ngày là sẽ chấm dứt tình trạng tiêu chảy ở trẻ em.
– Cháo bí đỏ, thịt gà
Nguyên liệu:
- Thịt gà : 50g
- Gạo tẻ: 80g
- Bí đỏ: 50g
- Gia vị: 1/2 thìa cafe đường, 1/4 thìa cafe muối, 2 thìa cafe dầu ăn dinh dưỡng, 300ml nước dùng.
Thực hiện
- Thịt gà băm nhỏ, cho khoảng 2 thìa cafe nước lọc vào tán đều
- Bí đỏ hấp chín, tán nhuyễn.
- Nấu cháo với gạo tẻ, sau đó cho thịt gà, bí đỏ vào nấu chín. Nêm muối với đường cho vừa ăn.
- Múc cháo ra tô, trộn đều với dầu ăn dinh dưỡng. Mẹ nên cho trẻ dùng khi cháo còn ấm nhé!
– Cháo rau sam
Nguyên liệu:
- Rau sam 90g,
- Quả hồng xiêm non 10g,
- Gạo 30g.
Thực hiện:
- Rau sam, hồng xiêm non cho vào nồi, đổ 250ml nước đun sôi kỹ lọc qua rây lấy nước, bỏ bã.
- Gạo xay thành bột cho vào nước rau trên quấy đều, đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín có thể nêm chút nước mắm
- Cho con ăn ngày 2 lần lúc cháo nóng, khi đói.
– Cháo cà rốt, ô mai
Nguyên liệu:
- Cà rốt 50g,
- Ô mai mơ 5 quả,
- Gạo 50g.
Thực hiện:
- Cà rốt hấp chín, nghiền nhuyễn qua rây
- Ô mai bóc lấy vỏ giã nhỏ,
- Gạo rang vàng xay thành bột.
- Tất cả cho vào nồi với 200ml nước, đun trên lửa nhỏ, cháo chín là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói.
– Cháo thịt heo bằm gừng
Nguyên liệu:
- Gạo trắng 50g,
- Gừng tươi 50g,
- Thịt nạc heo 50g.
Thực hiện:
- Gạo vo sạch, để ngâm 30 phút cho nở.
- Cho gạo vào nồi với 200ml nước nấu lửa nhỏ đến khi chín nhừ. Thịt nạc heo và gừng băm nhỏ.
- Cháo chín nhanh tay cho gừng và thịt băm vào khuấy đều. Tắt bếp múc ra cho con ăn nóng.
6. Những lưu ý cho mẹ khi bé bị tiêu chảy
Mẹ nên tránh cho bé ăn các loại đồ ăn có chứa nhiều đường, bánh kẹo, nước giải khát công nghiệp vì chúng làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, kéo nước trong tế bào vào lòng ruột, khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Tránh cho trẻ dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
Mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép… chưa nấu chín và không uống nước lã.
Hy vọng với nguyên nhân và cách điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ trên đây sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều kiến thức hữu ích, chăm sóc sức khỏe bé yêu một cách hiệu quả, tránh được những nguy hiểm không mong muốn.
Chúc con yêu của bạn luôn khỏe mạnh, phát triển toàn diện mỗi ngày và hãy luôn đồng hành cùng Massageishealthy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị.