Viêm dạ dày ruột ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

bởi Lê Định
Theo dõi Massageishealthy trên Google News

Viêm dạ dày ruột là một loại nhiễm trùng tiêu hoá. Bệnh viêm dạ dày ruột ở người lớn gây tiêu chảy và có thể làm bạn buồn nôn, đau bụng và biểu hiện các triệu chứng khác. Trong đa số trường hợp bệnh sẽ hết sau vài ngày nhưng đôi khi kéo dài hơn. Nguy cơ chính của bệnh là mất nước.

Điều trị chủ yếu là bổ sung nhiều nước để tránh bị mất nước. Bạn cũng nên theo một chế độ ăn bình thường nhất có thể. Hãy gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình bị mất nước, hoặc bạn có các triệu chứng đáng lo ngại như đã nói trên.

Viêm dạ dày ruột ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm dạ dày ruột ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm dạ dày ruột là gì và nguyên nhân gây bệnh?

Click để hiển thị dàn ý chính bài viết

Viêm dạ dày ruột là một loại nhiễm trùng đường tiêu hoá. Độ nặng của bệnh có thể từ đau bụng nhẹ 1-2 ngày với tiêu chảy nhẹ, cho đến tiêu chảy nặng và buồn nôn nhiều ngày hoặc hơn. Nhiều vi sinh vật (virus, vi khuẩn và các tác nhân khác) có thể gây viêm dạ dày ruột.

Virus là tác nhân thường gặp nhất của viêm dạ dày ruột. Chẳng hạn, nhiễm norovirus và adenovirus là hai tác nhân thường gặp của viêm dạ dày ruột ở người lớn tại nước Anh.

Tuy nhiên, những loại virus cũng có thể gây bệnh. Virus có thể lan truyền dễ dàng từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần gũi. Điều này bởi vì virus thường hiện diện trên bàn tay ta sau khi đi vệ sinh.

Bề mặt hoặc các vật dụng đã bị người nhiễm đụng vào cũng có thể là nguồn lây lan virus. Virus cũng có thể truyền đi khi người bệnh nấu thức ăn. Những đợt dịch do virus gây viêm dạ dày ruột ở nhiều người có thể xảy ra – chẳng hạn ở trường học, bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão.

Ngộ độc thức ăn do ăn thức ăn bị nhiễm bởi virus có thể gây viêm dạ dày ruột. Nhiều loại vi sinh vật khác nhau gây nên ngộ độc thực phẩm. Các tác nhân thường gặp là vi khuẩn Campylobacter, Salmonella và Escherichia coli (thường viết tắt E.coli).

Độc tố do vi khuẩn tiết ra cũng có thể gây ngộ độc. Một nhóm vi sinh vật khác là kí sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân. Nguồn nước bị nhiễm bởi vi khuẩn hay các tác nhân khác cũng là nguyên nhân thường gặp, đặc biệt ở những nước có tình trạng vệ sinh kém.

Bệnh viêm dạ dày ruột có thường gặp?

Viêm dạ dày ruột là bệnh phổ biến. Khoảng 1 trong 5 người ở nước Anh sẽ một lần bị viêm dạ dày ruột mỗi năm. Đa số người bị viêm dạ dày ruột nhẹ và không cần phải được chăm sóc y tế hoặc gặp bác sĩ.

Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột

  • Triệu chứng chính là tiêu chảy, thường kèm theo nôn ói.
  • Tiêu chảy nghĩa là đi phân lỏng hoặc có nhiều nước, thường ít nhất 3 lần mỗi 24 tiếng.
  • Máu hoặc nhầy có thể xuất hiện trong phân trong một số trường hợp nhiễm trùng
  • Đau bụng cũng thường gặp. Cơn đau này sẽ nhẹ đi sau mỗi lần bạn đi tiêu chảy
  • Sốt, đau đầu và đau cơ đôi khi cũng xảy ra.

Nếu bạn có nôn, tình trạng này thường kéo dài khoảng 1 ngày nhưng đôi lúc lâu hơn. Tiêu chảy thường vẫn tiếp tục sau khi ngừng nôn và kéo dài vài ngày hoặc hơn. Phân hơi lỏng có thể kéo dài 1 tuần trước khi trở về bình thường. Đôi khi các triệu chứng trên kéo dài hơn.

Triệu chứng của mất nước

Tiêu chảy và nôn ói có thể gây mất nước. Hãy gặp bác sĩ nhanh chóng nếu bạn nghi ngờ bạn có tình trạng này. Mất nước nhẹ thì thường gặp và có thể hết dễ dàng sau uống nhiều nước. Mất nước nặng có thể gây nguy hiểm trừ khi được điều trị nhanh chóng vì các cơ quan trong cơ thể bạn cần một lượng dịch nhất định để hoạt động.

Triệu chứng của mất nước ở người lớn bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Mắt trũng
  • Đi tiểu ít
  • Miệng, lưỡi khô
  • Yếu người
  • Khó chịu, cáu gắt

Triệu chứng của mất nước nặng ở người lớn bao gồm:

  • Yếu người
  • Lẫn lộn
  • Nhịp tim nhanh
  • Hôn mê
  • Đi tiểu rất ít

Mất nước nặng là một tình trạng cấp cứu và cần được chăm sóc y tế thật nhanh chóng.

Mất nước ở người lớn bị viêm dạ dày ruột thường gặp hơn ở các đối tượng sau:

  • Người lớn tuổi hoặc có sức khoẻ yếu
  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị tiêu chảy và nôn ói nặng. Đặc biệt khi bạn không thể bổ sung đủ lượng dịch đã mất qua đường uống.

Bệnh viêm dạ dày ruột chẩn đoán như thế nào và tôi có cần làm xét nghiệm gì không?

Đa số bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột biết được tình trạng bệnh của họ qua các triệu chứng điển hình và thường họ không cần gặp bác sĩ hay phải chăm sóc y tế. Triệu chứng thường là nhẹ và sẽ hết sau vài ngày mà không cần điều trị gì.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn cần gặp bác sĩ khi mắc bệnh viêm dạ dày ruột (xem phía dưới để biết khi nào bạn cần được chăm sóc y tế). Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn về các nơi du lịch gần đây, bạn có tiếp xúc với ai có triệu chứng tương tự, hoặc bạn vừa sử dụng kháng sinh hoặc được nhập viện.

Những điều trên giúp tìm kiếm nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày ruột cho bạn. Bác sĩ cũng sẽ tìm những dấu hiệu mất nước như đo thân nhiệt, mạch và huyết áp. Bác sĩ cũng sẽ khám bụng để tìm kiếm điểm đau.

Xét nghiệm thường là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự không khoẻ, đi cầu ra máu, hoặc vừa đi du lịch xa, được nhập viện gần thời điểm đó, hoặc các triệu chứng không nhẹ đi, bạn có thể cần làm xét nghiệm mẫu phân. Mẫu này sau đó sẽ được xem ở phòng xét nghiệm nhằm tìm tác nhân gây bệnh.

Khi nào tôi cần được chăm sóc y tế?

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn ở trong các tình huống sau, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng làm bạn thấy lo lắng:

  • Nếu bạn nghi ngờ cơ thể mình bị mất nước
  • Nôn ói nhiều và không thể bù đủ dịch
  • Có máu trong dịch nôn hoặc phân
  • Đau bụng nhiều
  • Có các triệu chứng nặng, hoặc bạn cảm thấy tình trạng của mình xấu đi
  • Sốt cao liên tục
  • Triệu chứng không thuyên giảm – chẳng hạn nôn hơn 1-2 ngày, tiêu chảy hơn 3-4 ngày
  • Nhiễm trùng khi bạn đang du lịch nước ngoài
  • Nếu bạn lớn tuổi và có bệnh khác đi kèm như đái tháo đường, động kinh, viêm đại tràng mạn, bệnh thận
  • Hệ miễn dịch của bạn suy yếu vì đang điều trị hoá trị liệu, dùng thuốc steroid lâu ngày, nhiễm H.I.V
  • Bạn đang có thai

Cách điều trị bệnh viêm dạ dày ruột ở người lớn

Các triệu chứng thường ổn sau vài ngày khi hệ miễn dịch của bạn đẩy lùi được nhiễm trùng. Đôi khi, nhập viện là cần thiết nếu các triệu chứng trở nặng, hoặc xuất hiện biến chứng (xem phía dưới).

Cho đến khi triệu chứng giảm bớt, bạn nên thực hiện các điều sau đây.

Dịch – hãy uống nhiều nước

Mục tiêu là ngăn cản cơ thể bị mất nước, hoặc điều trị mất nước khi nó đã xảy ra. (Lưu ý: nếu bạn nghi ngờ mình bị mất nước, bạn nên đến gặp bác sĩ)

Nhìn chung, hãy uống ít nhất 200 ml nước sau mỗi lần bị tiêu chảy (hoặc sau khi đi cầu phân nhiều nước).

Lượng dịch bổ sung này là thêm vào bên cạnh lượng nước bạn hay uống. Chẳng hạn, một người lớn thường uống 2 lít một ngày hoặc nhiều hơn ở các nước nắng nóng. Lời khuyên uống thêm 200 ml nước sau mỗi lần tiêu chảy là cộng thêm với lượng nước bạn uống hàng ngày.

Nếu bạn nôn ói, đợi 5-10 phút và bắt đầu uống nước lại nhưng chậm rãi. Chẳng hạn, nhấp một ngụm nước mỗi 2-3 phút nhưng phải đảm bảo rằng tổng lượng nước bạn uống vào vẫn đủ như đã nói ở trên.

Bạn cần phải uống nhiều nước hơn nữa nếu bạn đang bị mất nước. Bác sĩ sẽ khuyên bạn lượng dịch bạn cần uống khi bạn bị mất nước.

Với đa số người lớn, dịch uống vào để đảm bảo đầy đủ dịch cho cơ thể nên phần lớn là nước lọc. Tốt nhất không nên uống nước chứa nhiều đường, như cola hoặc nước ngọt, do chúng có thể làm tiêu chảy nặng hơn.

Thuốc bù nước được khuyên dùng cho người có sức khoẻ yếu, trên 60 tuổi, hoặc có bệnh khác đi kèm. Bạn có thể mua chúng ở nhà thuốc dưới dạng dung dịch bán trong gói. (Loại này cũng có thể được kê đơn). Bạn cho dung dịch này vào nước.

Thuốc bù nước cung cấp một lượng nước, muối và đường cân đối. Lượng ít đường và muối giúp nước được hấp thu tốt hơn từ ruột vào cơ thể. Chúng không ngừng hoặc làm giảm tiêu chảy.

Các hỗn hợp muối/đường làm tại nhà được dùng tại các nước đang phát triển nếu không có thuốc bù nước nhưng chúng cần phải được pha chế cẩn thận, do quá nhiều muối có thể gây nguy hiểm. Thuốc bù nước rẻ tiền, dễ mua ở nước Anh và là cách điều trị tốt nhất.

Thuốc giảm tiết được tạo ra để dùng chung với thuốc bù dịch. Chúng làm giảm lượng nước đổ vào đường tiêu hoá trong một đợt tiêu chảy.

Ăn bình thường nhất có thể

Trước đây, người ta khuyên rằng bạn không nên ăn khi đang mắc viêm dạ dày ruột. Tuy nhiên, ngày nay điều được khuyên là ăn những bữa nhẹ và ít nếu bạn ăn được. Bạn nên nghe theo khẩu vị của mình.

Bạn có thể không cảm thấy muốn ăn và đa số người lớn có thể không cần ăn trong vài ngày. Hãy ăn sớm nhất khi bạn có thể – nhưng không ngừng uống nước. Nếu bạn không cảm thấy muốn ăn, tránh các loại thực phẩm béo, cay hoặc khó ăn thời gian đầu. Thức ăn lạt như bánh mì nguyên cám và gạo là các thực phẩm tốt để bắt đầu.

Thuốc

Thuốc chống tiêu chảy thường là không cần thiết. Tuy nhiên, bạn sẽ mong muốn giảm số lần đi vệ sinh. Bạn có thể mua thuốc chống tiêu chảy tại nhà thuốc. Loại thuốc an toàn và hiệu quả nhất là loperamide.

Liều dành cho người lớn là 2 viên, sau đó 1 viên mỗi khi bạn bị tiêu chảy cho đến tối đa là 8 viên mỗi 24 tiếng. Thuốc tác động qua cơ chế làm giảm các hoạt động của đường tiêu hoá. Bạn không nên dùng loperamide trên 5 ngày.

Lưu ý: không cho trẻ dưới 12 tuổi dùng thuốc chống tiêu chảy. Ngoài ra, không dùng thuốc này khi bạn tiêu chảy có máu hoặc nhầy, hoặc đang sốt cao. Một số người có những bệnh không nên dùng loperamide. Vì vậy, đọc kĩ tờ hướng dẫn khi mua thuốc để đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, phụ nữ có thai không nên dùng loperamide.

Paracetamol và ibuprofen có hiệu quả làm giảm tình trạng sốt hoặc đau đầu.

Như đã giải thích ở trên, nếu các triệu chứng là nặng, hoặc kéo dài hơn vài ngày, bạn có thể cần phải làm xét nghiệm lấy mẫu phân. Mẫu này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để tìm tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, kí sinh trùng, v.v).

Đôi khi kháng sinh hoặc một thuốc khác cần được dùng nếu tìm thấy loại vi khuẩn nào đó là nguyên nhân gây bệnh. Kháng sinh không cần thiết trong trường hợp viêm dạ dày ruột do virus và lại có thể làm bệnh nặng hơn.

Biến chứng của bệnh viêm dạ dày ruột

Biến chứng của viêm dạ dày ruột ít gặp ở nước Anh. Chúng thường gặp hơn ở người rất trẻ, người mang thai hoặc người lớn tuổi. Chúng cũng hay gặp hơn nếu bạn đang có bệnh mạn tính như đái tháo đường hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Chẳng hạn, bạn đang dùng steroid kéo dài hoặc đang chữa trị ung thư bằng hoá trị.

Các biến chứng có thể gặp bao gồm:

Mất dịch và điện giải làm cơ thể mất căn bằng. Đây là biến chứng hay gặp nhất. Nó xảy ra khi nước và điện giải bị mất qua phân, hoặc khi bạn nôn ói, và không được bù đủ qua lượng nước bạn uống.

Nếu bạn cố gắng uống nhiều nước thì tình trạng này ít xảy ra, hoặc chỉ nhẹ và sẽ sớm hết khi bạn uống nước. Mất nước nặng có thể làm tụt huyết áp, gây giảm cung cấp máu tới các cơ quan quan trọng.

Nếu không được điều trị, suy thận cấp có thể xuất hiện. Một người người mất nước nặng cần phải truyền dịch đường tĩnh mạch. Điều này làm bạn cần phải nhập viện.

Biến chứng ở các cơ quan khác. Hiếm khi một số cơ quan các trong cơ thể phản ứng với tình trạng nhiễm trùng tiêu hoá. Điều này có thể gây ra một số triệu chứng như đau khớp (viêm khớp), viêm da, viêm mắt (viêm kết mạc hoặc viêm màng cứng). Biến chứng này ít gặp khi virus là tác nhân gây bệnh.

Sự lan truyền bệnh tới các cơ quan khác như xương, khớp, màng nảo, tuỷ xương. Điều này hiếm gặp. Nếu nó xảy ra, thường khi viêm dạ dày ruột gây ra bởi Salmonella spp.

Hội chứng tiêu chảy kéo dài hiếm khi xuất hiện.

Hội chứng ruột kích thích đôi khi bị kích hoặt bởi một đợt viêm dạ dày ruột.

Bất dung nạp lactose thỉnh thoảng xảy ra sau khi bị viêm dạ dày ruột. Đây được gọi là bất dung nạp lactose thứ phát hoặc mắc phải. Thành ruột của bạn bị tổn thương vì viêm dạ dày ruột, dẫn tới việc thiếu men lactase vốn cần để tiêu hoá đường lactose có trong sữa.

Bất dung nạp lactose gây ra đầy bụng, đau bụng, tiêu nhiều nước và có khí sau khi uống sữa. Tình trạng này sẽ đỡ hơn khi hết nhiễm trùng và thành ruột phục hồi. Điều này thường gặp hơn ở trẻ em.

Hội chứng tán huyết u-rê máu là một biến chứng có thể gặp khác. Điều này hiếm gặp và thường đi kèm với viêm dạ dày ruột do một số chủng E.coli. Đây là bệnh nặng, bao gồm thiếu máu, giảm tiểu cầu và suy thận. Bệnh thường gặp hơn ở trẻ em. Nếu được nhận biết và điều trị, đa số người mắc sẽ hết bệnh.

Giám tác dụng của một số loại thuốc. Trong một đợt viêm dạ dày ruột, một số thuốc bạn đang dùng vì lí do hoặc bệnh khác có thể không còn hiệu quả. Điều này là do tình trạng tiêu chảy và/hoặc nôn làm giảm lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể.

Chẳng hạn một số loại thuốc điều trị động kinh, đái tháo đường và tránh thai. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá nếu bạn không chắc phải làm gì khi đang dùng một loại thuốc nào đó và bị mắc viêm dạ dày ruột.

Cách ngăn ngừa lây truyền bệnh cho người khác

Viêm dạ dày ruột có thể lây lan dễ dàng từ người này sang người khác. Nếu bạn đang mắc viêm dạ dày ruột, những điều sau là khuyên làm để ngăn ngừa lây bệnh cho người khác:

Rửa tay cẩn thận sau khi đi vệ sinh. Lý tưởng là dùng bánh xà phòng rửa tay dưới vòi nước ấm đang chảy nhưng có xà phòng bất kỳ loại nào đều tốt hơn là không có. Lau tay khô sau khi rửa tay.

Không dùng chung khăn tắm hoặc vải flanen.

Không chuẩn bị hoặc nấu thức ăn cho người khác.

Thường xuyên chùi rửa nhà vệ sinh với chất khử khuẩn. Lau cần gạt bồn cầu, bệ ngồi bồn cầu, vòi tắm, bề mặt và nắm cửa với nước nóng và thuốc tẩy ít nhất 1 lần mỗi ngày. Giữ một khăn chỉ để lau nhà vệ sinh (hoặc dùng loại khăn dùng 1 lần rồi bỏ).

Tránh nơi làm việc, trường học, v.v ít nhất 48 tiếng sau lần bị tiêu chảy hoặc nôn cuối cùng.

Chế biến thực phẩm: nếu bạn làm công việc liên quan tới chế biến thức ăn và bạn bị tiêu chảy hoặc nôn, bạn cần rời nơi làm việc ngay.

Trong đa số trường hợp, không cần đến biện pháp nào khác ngoài việc tránh khỏi chỗ làm ít nhất 48 tiếng sau lần tiêu chảy hoặc nôn cuối cùng. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể cần tới thời gian lâu hơn.

Lời khuyên chuyên gia có thể cần đến đối với một số nguyên nhân ít gặp của viêm dạ dày ruột. Nếu nghi ngờ, hãy nói chuyển với ông chủ hoặc bác sĩ riêng của bạn.

Nếu nguyên nhân của viêm dạ dày ruột được biết (hoặc nghi ngờ) là do tác nhân Cryptosporidium spp., bạn cần tránh bơi ở hồ bơi 2 tuần sau lần cuối cùng bị tiêu chảy.

Bệnh viêm dạ dày ruột có thể ngăn ngừa được không?

Lời khuyên trong những phần đã nói đến chủ yếu nhằm ngăn bệnh lây lan. Tuy nhiên, ngay cả khi ta không tiếp xúc với người bệnh viêm dạ dày ruột, việc bảo quản, chuẩn bị và nấu thức ăn đúng cách và giữ vệ sinh vẫn giúp ta phòng ngừa bệnh.

Cụ thể là luôn rửa tay của bạn:

  • Sau khi đi vệ sinh
  • Trước khi đụng vào thức ăn
  • Giữa lúc chế biến thức ăn sống và lúc chuẩn bị thức ăn chín (Thịt sống có thể chứa một số loại vi khuẩn).
  • Sau khi làm vườn
  • Sau khi chơi với thú cưng (động vật khoẻ mạnh có thể mang trên chúng một số vi khuẩn có hại)

Việc rửa tay thường xuyên và đúng cách đã được biết là mang lại sự khác biệt đáng kể đối với nguy cơ bị viêm dạ dày ruột.

Bạn cũng nên cẩn thận khi đi đến các nước có tình trạng vệ sinh kém. Chẳng hạn, hãy tránh dùng nước lọc và các loại nước uống khác không an toàn và tránh những loại thức ăn rửa trong nước không an toàn trên.

Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.

3/5 - (2 bình chọn)

You may also like