Cách làm những món ăn không ngán, giải ngấy ngày Tết hấp dẫn
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Tết đến chắc hẳn bạn sẽ liên tục tham gia những buổi tiệc cùng gia đình bạn bè với những món ăn tuy thơm ngon nhưng lại dễ gây ngán nếu ăn liên tục vài ngày liền. Chính vì thế hôm nay Massageishealthy sẽ chia sẻ với bạn những món ăn chống ngán ngày Tết để bạn có thể thực hiện và tận hưởng niềm vui trọn vẹn trong những ngày đầu năm. Cùng vào bếp nhé!
Table of Contents
1. Món ngon đỡ ngán – Bắp non trộn gân bò
Nếu như đã ngán những món thịt hay hải sản thì bạn có thể thử ngay món này để thay đổi khẩu vị và đỡ ngán. Gân giòn giòn kết hợp với vị ngọt của bắp non và dưa leo sẽ đem lại những hương vị tuyệt vời đấy.
Nguyên liệu:
- 200g gân bò
- 200g bắp non
- Hành tây, dưa leo, húng lủi, ớt sừng
- Mè rang, muối, hành tím
Cách làm:
- Đầu tiên bạn chuẩn bị hỗn hợp nước trộn: Trộn đều 1 thìa súp nước mắm + 1 thìa súp nước cốt chanh + 1/2 thìa súp đường + 1 thìa cà phê ớt băm + 2 thìa cà phê tỏi băm
- Gân bò mua về rửa sạch, trụng với nước sôi sau đó cho vào nồi áp suất hầm trong 30 phút cho thêm 1 chút muối và gừng đập dập để khử bớt mùi.
- Sau đó vớt ra rửa lại với nước lạnh rồi cắt lát cho vừa ăn.
- Bắp non rửa sạch, chẻ đôi dọc rồi trụng sơ với nước sôi sau đó để ra rổ cho ráo nước. Dưa leo bỏ ruột, cắt thành lát mỏng dài. Hành tây lột vỏ, cắt khoanh mỏng. Ớt sừng bỏ hạt cắt thành sợi.
- Sau đó cho tất cả vào thau cho nước trộn vào đảo đều tay để thấm đều gia vị rồi bày ra đĩa, rắc thêm ít mè hoặc hành tây là có thể thưởng thức.
- Bạn có thể dùng kèm với bánh phồng tôm chiên.
2. Ăn gì ngày Tết đỡ ngán – Bao tử heo trộn
Mặc dù đây là món ăn đã quá quen thuộc với mọi người nhưng trong những ngày Tết bạn sẽ cảm thấy món ăn này đặc biệt hơn rất nhiều đấy. Thử ngay nhé.
Nguyên liệu cần có:
- 500g bao tử heo
- 1 củ hành tây
- 200g giá đỗ
- 1 quả dưa leo
- Rau răm, chanh tươi
- Gia vị: Bột canh, đường, nước mắm ngon, ớt tươi, tỏi băm.
Cách làm:
- Bao tử mua về rửa sạch, lấy hết màng mỡ sau đó bóp với một ít muối rồi rửa thật sạch lại bằng nước. Sau đó bạn có thể dùng chanh chà xát để làm sạch hơn và khử bớt mùi rồi xả sạch với nước thật mạnh.
- Tiếp theo bạn đem bao tử luộc chín và lưu ý thêm một ít phèn chua vào nồi nước luộc. Để bao tử ngon nhất vừa sạch vừa giòn, bạn hãy cho vào nồi khi nước đang thật sôi, để bao tử ngập trong nước và sau khi vớt ra bạn bạn cho vào tô nước lạnh có vài giọt chanh.
- Sau khi bao tử chín bạn vớt ra rổ đợi ráo rồi thái thành từng lát mỏng.
- Giá đỗ rửa sạch, dưa leo rửa sạch gọt vỏ thái thành lát. Hành tây thái mỏng ngâm giấm khoảng 10 phút rồi vớt ra rổ. Rau răm rửa sạch thái khúc 2cm.
- Cho tất cả các nguyên liệu vào tô rồi thêm một ít nước mắm, chút nước cốt chanh, đường, ớt, tỏi vào và trộn đều tất cả lên.
- Nêm nếm sao cho có vị chua chua ngọt ngọt vừa ăn là được. Để trong khoảng 10 phút cho thấm đều gia vị thì cho rau răm vào trộn một lần nữa.
Vậy là đã có một món ăn thơm lừng, ngon lạ miệng, dùng làm món nhậu hoặc ăn trong bữa cơm hàng ngày đều rất hợp.
3. Nộm ngó sen rau muống – Món ăn không có thịt
Bạn có thể thấy đa số những món ăn đỡ ngán ngày Tết chủ yếu là các món gỏi nộm hay đồ trộn để thay đổi khẩu vị, đem đến những hương vị thanh mát dễ chịu.
Nguyên liệu:
- Củ sen. Ngó sen
- Rau muống non. Cà rốt. Cải thảo
- Tỏi, ớt, gừng, muối, đường, dấm, 2 thìa cafe nước mắm ngon.
Các bước thực hiện:
- Củ sen bạn gọt vỏ, thái thành lát mỏng. Ngó sen rửa sạch cắt thành khúc dài vừa ăn rồi ngâm vào nước có một ít nước cốt chanh hoặc giấm để sen không bị đen.
- Rau muống lặt sạch lá, giữ cọng non và rửa sạch. Cải thảo gọt bớt diềm lá. Ớt bỏ hạt bằm thật nhỏ, tỏi cũng vậy. Gừng thái lát mỏng.
- Trộn củ sen, ngó sen, rau muống, cải thảo với 2 thìa ca fe muối, 2 thìa ca fe đường để chừng 15 phút cho ngấm, rồi cho ra rổ vắt bớt nước. Rồi trộn với gừng, và cuối cùng là nhét vào lọ thủy tinh.
- Hòa đường với dấm, tỏi, ớt, muối, nước mắm, dội lên trên hỗn hợp rau củ kia. Để chừng 3 tiếng là ăn được. Có thể cất vào tủ lạnh dùng dần.
4. Tết ăn gì không ngán – Tai heo ngâm dấm
Tai heo ngâm dấm có thể ăn với cơm nóng, làm gỏi hoặc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Khi có khách đến chơi nhà, bên cạnh giò chả thì một đĩa tai heo chua ngọt cũng đủ để nhâm nhi thú vị rồi.
Nguyên liệu:
- Tai lợn
- Dấm gạo
- Đường, muối
- Ớt, tiêu hạt, hành khô, tỏi, gừng
Cách làm:
- Tai heo mua về cạo lông sạch, dùng dấm hoặc muối hột chà sạch vào tai heo để lấy hết chất dơ, bụi bẩn và khử mùi hôi. Sau đó rửa sạch với nước lạnh và để cho ráo nước.
- Đun sôi một nồi nước có cho thêm chút gừng đập dập, ít hạt tiêu, chút hành khô và một thìa nước mắm sau đó cho tai heo vào luộc. Tuy nhiên bạn không nên luộc chín quá vì như vậy sẽ bị nhớt khi ngâm, chỉ cần thấy tai heo vừa chín là được nhé.
- Sau khi vớt tai heo ra bạn hãy thả ngay vào bát nước lạnh để tai heo được săn, giòn và ngon hơn khi ngâm. Vớt ra rổ để ráo nước rồi thái thành lát mỏng.
- Cho dấm, đường tỷ lệ 2 bát con dấm thì dùng 1.5 bát con đường cùng với 1/3 thìa con muối đun sôi, đường muối hoà tan.
- Lượng hỗn hợp này nhiều hay ít tuỳ thuộc vào thể tích lọ ngâm và lượng tai heo bạn ngâm, nhưng bạn phải chuẩn bị sao cho dung dịch ngâm phải đủ ngập mặt lỗ heo khi cho vào lọ.
- Sau khi hỗn hợp dấm, đường, muối nguội hoàn toàn, tai lợn luộc chín và ráo nước. Bạn cho tai heo, ớt, hành, tỏi đã thái lát, tiêu hạt và dấm đường vào lọ thuỷ tinh để ngâm.
- Chỉ khoảng 3 ngày là bạn có thể dùng tai heo rồi nhé, đảm bảo sẽ rất ngon.
5. Món ngon chống ngán ngày Tết – Gỏi nộm hoa chuối
Đây cũng sẽ là một sự lựa chọn thú vị khi bạn đang tìm các món ăn đỡ ngán ngày Tết đấy nhé. Cách làm cũng vô cùng đơn giản và không mất nhiều thời gian, thử liền tay!
Nguyên liệu:
- 1 Hoa chuối tươi
- 500g tôm tươi
- Rau thơm gồm có: rau húng, quế, rau mùi
- Đậu phộng rang, vừng rang, mắm tôm, chanh tươi, tỏi tươi, đường.
Cách làm:
- Hoa chuối mua về lột bỏ lá già rồi thái mỏng, ngâm nước vo gạo khoảng nửa tiếng hoặc cho vài muỗng canh giấm pha nước lạnh cho ra chất mủ, chất nhựạ. Lấy ra rửa lại sạch bằng nước lạnh, để ráo nước.
- Rau thơm rửa sạch thái nhỏ. Tôm lột vỏ, lấy đất sống lưng, luộc vừa chín tới xẻ làm hai.
- Dùng 1 cái nồi cho vài tép tỏi tươi băm nhuyễn trộn với mắm tôm, chanh vắt nước.
- Cho hoa chuối, rau thơm vô bóp và trộn đều, nêm chút đường, nêm chua mặn cho vừa miệng ăn.
- Cho vài muỗng canh vừng (mè) đã rang vô trộn cho đều.
- Bày gỏi lên điã lớn, đặt tôm, rắc đậu phộng rang lên trên, cho vài miếng ớt lên trên.
Danh sách các món ăn ngon dễ làm chống ngán thịt mỡ ngày Tết
Một trong những việc bạn sẽ không tránh khỏi trong những ngày tết đó là dường như bạn sẽ bị “ngập” trong những món ngon ngày tết, việc thưởng thức các món ăn có nhiều chất béo, chất dinh dưỡng sẽ khiến bạn khó tiêu hoá và dễ ngán, vậy ngày tết ăn gì để đỡ ngán? Để trả lời cho câu hỏi này, bạn hãy thử xem qua các món ăn chống ngán trong ngày tết nhé!
6. Bún cuốn
Ngày Tết, vấn đề lớn của nhiều gia đình là các món nhiều đạm ít rau gây ngán, thịt luộc nhiều, nhất là thịt gà luộc thì nhà nào cũng dư ít nhất cả 1 con gà. Lúc này giải pháp là bạn có thể xé nhỏ thịt gà ra dùng trong món bún cuốn này, giải quyết sẽ cực nhanh đấy!
Món bún cuốn này nguyên liệu và cách làm cực đơn giản: bạn chỉ việc thái sợi tất cả các nguyên liệu (dưa chuột, cà rốt chần, trứng rán, giò, thịt) rồi cuốn bánh tráng với bún và xà lách, chấm kèm nước chấm chua ngọt thì bao nhiêu cũng hết đấy!
7. Cóc non ngâm chua ngọt
Nếu không thích ăn quá nhiều đồ ngọt dẫn đến tăng cân trong dịp Tết, bạn có thể lựa chọn món cóc non ngâm chua ngọt mời khách tới chơi nhà nhé!
Món này có lẽ bạn sẽ mất thời gian nhất ở khâu gọt cóc bởi dùng cóc non thì gọt lâu mà dùng cóc già thì ăn lại hơi xơ. Những công đoạn sau đó khá đơn giản: nấu nước sạch với đường rồi pha nước mắm vào cho vừa khẩu vị, đổ nước này vào hũ đựng cóc cùng ớt trái, ngâm ít nhất 1 ngày là có thể dùng được ngay rồi.
8. Cá chép om dưa
Các cuộc tụ họp, đoàn viên có lẽ là thứ không thể thiếu vào dịp Tết, nhưng lần nào cũng dọn mâm với những món truyền thống gà luộc, nem rán, bánh chưng… thì hẳn người nấu cũng ngán chứ không nói đến người ăn. Hãy thử đổi món một bữa với cá chép om dưa, bạn sẽ lôi kéo các thành viên trong gia đình trở lại với cảm giác ngon miệng một cách thật dễ dàng!
Để làm món này, trước Tết bạn nhớ mua sẵn một con cá chép thật ngon và ít dưa cải muối chua nhé! Khi làm trước tiên bạn rán cá, dưa thì xào với cà chua cho thấm gia vị rồi đổ nước đun một lúc đến khi dưa đủ độ mềm vừa ăn thì cho cá vào đun thêm khoảng 10 phút là có thể nêm nếm lại, thả rau thì là rồi tắt bếp, ăn nóng với bún sẽ rất ngon.
9. Nộm xoài thịt bò hoặc gỏi xoài xanh với tai heo
Một bữa cỗ, bữa tiệc muốn ngon không thể thiếu được món khai vị. Những món khai vị nhẹ nhàng với vị chua ngọt dễ ăn sẽ kích thích khẩu vị của cả nhà để mọi người hứng thú hơn với các món tiếp theo.
Chỉ với quả xoài xanh, ít thịt bò, cà rốt, rau thơm… và dưa chuột, bạn thái sợi các loại củ quả, ướp thịt bò với tỏi, muối rồi xào chín sau đó pha nước trộn nộm chua ngọt vừa ăn, trộn đều các nguyên liệu là có ngay một đĩa nộm xoài thịt bò thật ngon chống ngán cho Tết!
10. Bắp bò ngâm mắm chống ngán ngày Tết
Nguyên liệu làm bò ngâm mắm: 1kg bắp bò, chọn phần bắp hoa hoặc lõi rùa nhiều gân sẽ ngon hơn (bắp bò lọc hết phần mỡ bám quanh), Nước mắm ngon, Dấm gạo, Đường trắng, Nước lọc.
Một ít hoa hồi, thảo quả, quế, gừng, tỏi, ớt chỉ thiên, Ngoài ra bạn cần chuẩn bị một lọ ngâm bằng thủy tinh, khổ vừa miếng bắp bò chứ đừng quá to sẽ tốn nước mắm mà không ngập được mặt thịt khi ngâm
Cách làm bắp bò ngâm mắm:
Đong nước mắm, đường, dấm, nước lọc theo tỷ lệ: 2:2:1: ½. Tức là 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 1 thìa dấm gạo và ½ thìa nước lọc cho vào nồi để đun. Lượng mắm pha nhiều hay ít sẽ phù hợp với thể tích lọ và lượng bò ngâm.
Vị mặn nhạt của mỗi loại nước mắm có khác nhau nên khi pha hỗn hợp này bạn có thể điều chỉnh chút xíu sao cho vừa miệng. Dùng một nửa số tỏi và ớt bạn chuẩn bị, tỏi thái lát, ớt đập hơi dập để đun cùng với mắm, một nửa còn lại để nguyên để cho vào khi ngâm.
Khi đun hỗn hợp mắm bạn để ý lửa vì mắm sôi rất dễ trào. Mắm sau khi sôi, đường tan hết bạn tắt bếp và để cho mắm thật nguội rồi mới tiến hành dùng để ngâm bắp bò.
Cho bắp bò đã làm sạch vào nồi, thả vào nồi một miếng gừng bằng đốt ngón tay cái đập dập, 2-3 nhánh hoa hồi và thảo quả đập dập, miếng quế và một xíu muối tinh và đổ nước ngập mặt thịt để luộc.
Luộc bắp bò nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ dày của miếng bắp bò nhưng luộc khoảng 30 phút bạn dùng đũa sâm vào miếng thịt bò không thấy chảy ra nước hồng tức là bò đã chín, không cần luộc bò nhừ. Cho bắp bò thả vào bát đá lạnh để bắp bò nguội mà không bị thâm phía ngoài.
Bắp bò và mắm phải thật nguội bạn mới tiến hành cho vào lọ để ngâm. Lọ phải tráng sạch bằng nước sôi để ráo. Sau đó cho bò vào lọ, đổ hỗn hợp mắm pha cho ngập mặt chỗ bắp bò, thả nốt phần tỏi và ớt tươi bạn chuẩn bị vào lọ.
Nếu bò nổi lên trên bạn dùng que tre để ấn giữ hoặc dùng đĩa sứ, miếng nam tre chèn lên trên, bò ngập trong mắm mới không bị hỏng.
Đậy kín lọ và ngâm bò từ 5-7 ngày là có thể dùng được. Khi dùng bạn dùng dao sắc và thái bò thành những lát thật mỏng. Lựa phần bắp nhiều gân sẽ làm cho những lát bò khi ăn vừa có độ dai mà lại thấm vị mặn ngọt rất thú vị.
Với cách làm bắp bò ngâm mắm này, đảm bảo bạn sẽ có một món ăn ngon đãi khách. Trong những ngày Tết bạn có thể đem ra ăn kèm khi uống bia, rượu đãi khách.
11. Thịt ba chỉ cuộn rau củ
Khi đã ngấy với các món chiên xào nhiều dầu mỡ, bạn có thể thực hiện món ba chỉ cuộn rau củ vô cùng đơn giản nhưng ngon miệng. Cách làm thịt ba chỉ cuộn rau củ đơn giản như sau:
Thịt ba chỉ luộc chín, cắt lát mỏng. Cà rốt, su hào luộc chín, cắt sợi; dưa leo cắt thanh dài, hành lá trụng nước sôi cho mềm. Quấn miếng thịt ba chỉ quanh cà rốt, su hào, dưa leo, sau đó dùng cọng hành buộc chặt lại.
Bạn đã có một món ăn hấp dẫn cả về màu sắc lẫn mùi vị. Chấm cuốn thịt với nước mắm chua ngọt pha sệt, vị béo của thịt ba chỉ hoà lẫn vị ngọt mát của rau củ sẽ khiến bạn cảm nhận ngay hương vị độc đáo của món ăn này.
12. Thịt đông đúng vị ngày Tết
Thịt đông được ưa thích vì món ăn giàu chất đạm nhưng ăn lại không ngán, ngấy. Cách làm thịt đông không khó! Món thịt đông là một lựa chọn không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết.
Để làm món thịt đông ngày Tết bạn cần chuẩn bị nguyên liệu: 500g thịt chân giò, 100g da lợn, 100–200g phi-lê thịt gà, 300g chân gà, 10 tai nấm đông cô loại nhỏ, 10g mộc nhĩ, 1 củ cà-rốt, 1 chút tiêu, muối, nước mắm.
Chi tiết cách làm thịt đông như sau:
Thịt chân giò, cạo sạch lông, rửa sạch thái miếng khổ bằng bao diêm.
Tai lợn, cũng cạo sạch, khử hôi bằng cách sát muối và dấm. Sau đó thái nhỏ. Phần thịt chân giò nếu có nhiều mỡ thì nên lạng bớt ra, nếu không thích ăn tai lợn thì bạn phải thay thế bằng một miếng da lợn bằng bàn tay để thịt có thể đông được nhé.
Đun một nồi nước, bạn cho ít muối, hành khô bóc vỏ đập dập (hoặc đầu hành trắng cũng được) và một ít gừng đập dập để chần thịt.
Thịt được chần trong nước có hành và gừng sẽ giảm mùi hôi và sạch hơn. Chần xong thịt bạn xả qua nước và để ráo. Ướp thịt với một thìa nước mắm ngon để 30 phút cho ngấm.
Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở thái nhỏ (không cần thái quá nhỏ vì thái nhỏ lúc nấu xong mộc nhĩ sẽ bị nhũn không còn độ giòn).
Cho chảo lên bếp, cho ít dầu ăn vào xào qua nấm hương, mộc nhĩ với ít hạt nêm cho đậm đà rồi để riêng sang một bên.
Cho thịt chân giò và tai vào chảo xào một lúc cho săn lại, cho thêm ít hạt nêm lúc xào.
Thịt xào sơ rồi cho vào nồi để nấu. Dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian nấu. Chú ý đổ nước ngập mặt thịt, nước sôi phải hớt bọt cho thật sạch như vậy món thịt đông mới trong không bị đục. Hớt bọt xong mới đóng nắp nồi áp suất để đun.
Sau 15 phút thịt chín mềm, bạn mở nắp và cho nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu rang đập dập vào nồi, đun thêm 10 phút nữa là được (không cần đóng nắp nồi áp suất nữa).
Tỉa vào bông hoa bằng cà rốt đặt dưới đáy bát trước khi múc thịt đông để khi úp thịt đông ra sẽ đẹp mắt.
Cất thịt đông vào tủ lạnh khoảng 4-6 tiếng cho thịt đông lại. Khi ăn dùng dao lách thành bát để úp thịt đông ra đĩa được dễ hơn. Với cách làm thịt đông này, đảm bảo bạn sẽ có món ăn ngon miệng.
Thịt đông bạn chú ý không nên nấu quá mặn vì thịt nấu đông khi ăn bạn chấm với nước mắm ngon rắc hạt tiêu ấm nóng kèm với đồ ăn chua sẽ rất hấp dẫn đấy.
Một số món ăn chống ngán trong ngày tết các bạn có thể tham khảo thêm
- Rau cải cuốn bún tôm chấm mắm nêm.
- Phở cuốn rau củ là 2 món ăn giúp đỡ ngán và chống ngán cực hữu hiệu.
- Ngày tết bạn có thể lạm món nộm su hào chua ngọt
- Nộm sứa làm ngày tết cũng rất nhanh gọn, món ăn giòn giòn, chua cay mặn ngọt đủ cả những không hề ngán ngấy.
- Các loại rau củ muối cũng là thực phẩm chống ngán hiệu quả.
- Hành củ muối chua…
- Dưa muối chua…
- Rau củ ngâm chua ngọt.
- Cuộng rau muống ngâm chua ngọt giòn cay vừa ngon miệng, vừa lạ sẽ rất đắt khách ngày Tết.
Cuối cùng là món gân bò ngâm chua ngọt: Gân bò giòn có vị chua nhẹ, được dùng kèm với ngó sen, cà rốt, hành khô ăn chống ngán, rất hấp dẫn trong những ngày có quá nhiều đồ mặn.
Như vậy là chúng ta vừa tìm hiểu xong các món ăn đỡ ngán ngày Tết mà bạn có thể thực hiện dễ dàng để cả gia đình và mình cùng thưởng thức. Hãy lưu lại ngay và chia sẻ để bạn bè cùng biết nhé các bạn!
Chúc các bạn có những món ăn ngon và cái Tết thật ý nghĩa, đầm ấm!