8 loại nước mát “đồng quê” giúp giải nhiệt mùa nóng
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Nước mát giải nhiệt mùa hè tùy vào công dụng của các thành phần, nếu sử dụng với liều lượng hợp lý sẽ rất tốt cho sức khỏe. Mùa này, hình ảnh dễ bắt gặp nhất trên nhiều con đường là những chiếc xe nước sâm với người mua xếp lớp trong lớp ngoài. Trà bông cúc, sâm bí đao hay nước sâm mía lau đều đang bán rất chạy.
Nếu những chai nước giải khát không đủ làm bạn thỏa cơn khát, chi bằng hãy nấu cho mình những nồi nước mát vừa ngon, vừa rẻ, vừa dễ làm mà lại có tác dụng giải nóng trong cho cơ thể tuyệt vời.
Table of Contents
Công dụng của một số loại nước mát giải nhiệt
Vì vậy, tìm hiểu thêm vài công thức với những món rau củ quen thuộc chung quanh để tự tay nấu nước mát cho gia đình cũng là điều cần thiết.
Có rất nhiều loại nước mát từ các loại cây quả, rau củ như nha đam, bông atiso, khổ qua, bông cúc, bí đao… Mỗi thứ đều có công dụng riêng nhưng tựu trung đều có tác dụng giải khát, thanh lọc cơ thể.
Món được tiêu thụ mạnh nhất tại hầu hết các sạp rau củ trong tất cả các chợ là mía lau, có giá chỉ chừng 5.000 – 10.000 đồng/ bó. Bó nước mát mía lau gồm 7 loại thảo dược là: cây bọ mắm, rễ tranh, mã đề, cây lẻ bạn, lá dứa, mía lau, râu bắp.
Nước mát từ mía lau có công dụng lợi tiểu, thanh lọc cơ thể, sau khi nấu, để nguội, cho vào tủ lạnh có thể dùng được 2 – 3 ngày. Nếu tiết kiệm, có thể nấu thêm một lần nữa từ số bã mía lau đó, thêm chút đường phèn là thành một món nước giải khát thơm ngon.
Món sâm bí đao cũng dễ nấu và có công dụng như một vị thuốc giải độc, lợi tiểu, trị ung nhọt, táo bón. Nguyên liệu bí đao khá nhiều, giá cũng rẻ. Chỉ cần nấu bí đao thành dạng sâm và dùng hằng ngày, rất thơm ngon và tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, có một thứ quen thuộc, dễ kiếm ở hầu hết các chợ, siêu thị là cây nha đam. Nha đam đường phèn không chỉ là thức uống thanh nhiệt dành cho những ngày nắng nóng mà còn chữa được một số bệnh như cao huyết áp, béo phì, xơ gan…
Hoặc để nấu nước khổ qua rất đơn giản, cắt từng lát mỏng hoặc dùng nguyên trái để nấu. Nếu ngại đắng, có thể cho thêm đường phèn trong lúc nấu để dịu bớt vị đắng. Với nước khổ qua đường phèn, có thể uống lạnh hoặc cho thêm đá như một thức uống giải khát.
Riêng với nước khổ qua đắng, nên dùng nóng sẽ ngon hơn. Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa – những chứng khó chịu thường gặp trong mùa hè oi bức.
Tuy vậy, theo bác sĩ Hà Mi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), dù các loại nước mát rất tốt trong việc thanh lọc cơ thể nhưng cũng không nên quá lạm dụng, đặc biệt đối với người mắc bệnh huyết áp thấp hoặc một số bệnh mãn tính.
Do ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này một mặt hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái nhưng mặt khác có thể có khả năng tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính. Dùng lâu một loại thuốc, kể cả thực phẩm, dù là bổ ích cũng có ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
Những người có bệnh huyết áp, tiểu đường, thận, bệnh lao phổi… hoặc phụ nữ đang có thai, nếu muốn dùng hằng ngày, liên tục, phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Cách tự nấu các loại nước mát giải nhiệt, mát gan mùa hè
1. Nha đam đường phèn
- Không chỉ là một thức uống thanh lọc, giải độc cơ thể trong những ngày hè, nước nha đam đường phèn còn giúp chữa một số bệnh như cao huyết áp, xơ gan, béo phì…
- Thật đơn giản, bạn chỉ việc mua nha đam về, gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, lấy phần thịt cắt nhỏ thành hạt lựu và rửa qua 2-3 lần với muối để sạch nhớt và giảm vị hăng.
- Trong lúc chờ nha đam được làm sạch, bạn bắt một nồi nước và cho đường phèn vào nấu tan.
- Khi nước sôi, thả những viên nha đam vào và nấu sôi lại. Tùy theo lượng đường cho vào nhiều hay ít mà bạn có thể dùng lạnh hoặc dùng chung với đá.
2. Sâm bí đao
- Bí đao từ lâu đã được dùng làm vị thuốc giải độc, lợi tiểu, trị ung nhọt, táo bón. Tuy nhiên, việc dùng nước ép bí đao lại trở nên khó khăn với nhiều người.
- Để có thể dùng được loại nước bí đao ngon miệng, bạn có thể nấu bí đao thành nước sâm và dùng hàng ngày.
- Bạn cần: 1 kg bí đao, 10 g thục địa thái nhuyễn (mua ở tiệm thuốc Bắc, có thể mua mỗi lần 50g và chia nhỏ nấu dần), 4 lít nước lọc, 2-3 lá dứa, một ít muối, 150 g đường phèn.
- Bạn để bí đao nguyên trái, không gọt vỏ, nấu trong nồi nước cùng thục địa xắt nhuyễn và các nguyên liệu đã chuẩn bị.
- Hầm nồi nước sâm với lửa nhỏ cho đến khi bí mềm nhừ. Đợi nước nguội, lọc lấy nước và bỏ lạnh uống dần.
- Lưu ý, cũng chính vì có tính hàn nên nước bí đao không thích hợp cho người huyết áp thấp và người có cơ địa hàn đâu nhé!
3. Trà khổ qua
- Với khổ qua, bạn có thể cắt từng lát mỏng hoặc dùng nguyên trái để nấu đều tốt. Nếu có thể dùng đắng, bạn nên dùng.
- Bằng không, có thể cho thêm đường phèn trong quá trình nấu để dịu bớt vị đắng. Với loại nước khổ qua đường phèn, bạn có thể uống lạnh hoặc cho thêm đá như một thức uống giải khát.
- Riêng với nước khổ qua đắng, bạn nên dùng nóng sẽ ngon hơn. Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa, những khó chịu bạn thường gặp phải trong mùa hè oi bức.
4. Nước gạo lứt
- Để có nước gạo lứt, bạn chỉ cần mua khoảng 100g gạo lứt. Với lượng gạo này, bạn có thể nấu cùng 2 lít nước.
- Rất đơn giản, bạn chỉ việc vo sơ gạo qua một lần và đổ nước vào nấu đến khi gạo nhừ mềm. Muốn nước cho vị đậm đà hơn, bạn có thể thêm ít hạt muối.
- Thức uống này dùng nóng sẽ ngon hơn. Hoặc không, bạn có thể cho thêm đường và uống như những loại nước mát trên.
5. Nước đậu
- Những loại đậu như đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ hoặc đậu đen đều có thể nấu nước uống như trà.
- Để nước ngon hơn, trước khi nấu, bạn nên đem rang đậu cho chín (không quá vàng để tránh làm đậu biến chất). Sau đó, bạn có thể dùng đậu này ngâm trong bình thủy và dùng như nước trà, uống trong ngày.
- Cách khác, bạn có thể cho đậu vào nồi nấu như món chè cùng với ít đường và uống cùng đá lạnh hoặc để ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
- Hầu hết các loại đậu kể trên đều có tính hàn, giúp thanh nhiệt và tiêu độc rất tốt.
6. Nước bông cúc nhãn nhục
- Cũng cùng công dụng thanh lọc, làm mát cơ thể, bông cúc được sử dụng nhiều trong mùa hè để giúp xua tan mệt mỏi do nắng nóng.
- Bạn cần: 20g bông cúc sấy (mua ở tiệm thuốc Bắc), 200g nhãn nhục, 2 viên đường phèn, 3 lít nước.
- Bạn cần ngâm trong nước lạnh khoảng 10 phút. Sau đó vớt ra và vắt ráo. Riêng với nhãn nhục, bạn chỉ việc rửa sạch, không ngâm.
- Bắc nồi nước nấu sôi với đường phèn cùng nhãn nhục. Khi thấy nước trong nồi đã chuyển sang màu vàng nâu và các thớ nhãn đã nở đều, bạn cho bông cúc vào nấu nhỏ lửa, khoảng 15 phút có thể tắt bếp.
- Khi nước nguội, vớt bông cúc ra và lược trong nước lại. Dùng nước chung với nhãn nhục sẽ cho bạn một thức uống rất thơm ngon.
7. Nước atiso lá nếp
- Để có được thức uống này, bạn dùng atiso tươi để nấu, khoảng 5 bông. Ngoài ra, bạn cần 1 bó lá nếp, 2 viên đường phèn và 3 lít nước.
- Sau khi rửa sạch bông atiso, bạn đem bỏ cuống. Phần lá nếp nên làm sạch và cột gọn lại.
- Cho nước vào nồi và hầm bông atiso khoảng nửa tiếng. Sau đó, đậy kín nồi nước lại và ủ như vậy trong khoảng 6 tiếng để bông mềm và ra hết chất ngọt.
- Vì thời gian để bông atiso mềm rất lâu nên bạn có thể dùng nồi áp suất để nấu. Nếu chọn nấu thông thường, ít nhất bạn sẽ phải mất 1 -2 tiếng. Việc này rất mất thời gian và hao tốn nhiên liệu.
- Sau thời gian ủ, nước đã nguội, bạn bắt lên bếp nấu lại và cho đường phèn vào hòa tan.
- Nước nguội bạn có thể cho vào từng chai nhỏ và để tủ lạnh hoặc dùng luôn với đá.
- Phần bông atiso, bạn có thể ăn cùng sẽ rất thú vị.
8. Nước sâm từ các loại cỏ
- Một cách rất thông dụng và tiện lợi là bạn hãy ra ngay chợ, mua những bó lá đủ loại: râu bắp, rong biển, lá dứa, mía lau, bọ mắm, cây mã đề, rễ tranh, cây lẻ bạn, … về nấu thành nước cùng ít đường phèn.
- Tất cả những loại cỏ mọc dại này đều rất mát, có tác dụng giải độc và tiêu viêm rất tốt.
- Ngoài ra, mùi thơm hấp dẫn cùng vị ngọt tự nhiên từ những loại cây này cũng tạo nên một hương vị rất hấp dẫn nhất là những lúc bạn đang rất khát.
Uống nước sâm nhiều có tốt không
Nước sâm là thức uống phổ biến tại TP HCM mỗi dịp nắng nóng. Chuyên gia khẳng định loại nước này tốt cho sức khỏe nhưng cần có nguyên tắc sử dụng.
Với thực đơn đa dạng, giá cả bình dân, nước sâm hay nước mát là thức giải khát được nhiều người dân TP HCM lựa chọn, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.
Công thức các loại nước sâm khá phong phú, đa dạng là sự kết hợp của các loại thảo quả khác nhau có tác dụng thanh nhiệt, chữa bệnh.
Nước sâm được nấu từ hỗn hợp các loại lá, rễ cây và một số loại thực vật có tính mát như mía lau, râu bắp, rễ tranh, nhãn nhục nâu… với đường phèn. Ảnh: Hoàng Nhi
Tác dụng của nước sâm giải nhiệt
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn – Trưởng khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 cho hay vào những ngày hè nóng nực, nhu cầu bổ sung nước của cơ thể rất lớn.
Trong đó, nhiều người có xu hướng lựa chọn và tự chế biến các đồ uống từ những cây cỏ quen thuộc theo kinh nghiệm dân gian với các vị như trà xanh, nụ hoặc lá vối, nhân trần, la hán, chó đẻ răng cưa, rau má, chè vằng, cỏ ngọt, râu ngô, cúc hoa, dứa dại, đậu đen sao cháy, khổ qua, bí đao…
Người ta có thể dùng độc vị hoặc có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau để tạo nên những thứ nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan như hoa hòe với cúc hoa, đậu đen với mạch môn, nụ vối với la hán, râu ngô với quả dứa dại…
Thậm chí, chúng ta có thể phối hợp khá nhiều vị với nhau để tạo nên các loại trà tam bảo, ngũ bảo, bát bảo rất hấp dẫn. Đây chính là các loại nước sâm được sử dụng phổ biến trong miền Nam.
“Nhìn chung, các loại nước giải khát này đều không độc hại vì chúng được chế biến từ những cây cỏ mang tính thức ăn – vị thuốc và đã được sử dụng trong đời sống từ rất lâu đời”, thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn khẳng định.
Theo dược học cổ truyền, tất cả các loại nước giải khát này đều có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng “tích nhiệt” trong cơ thể.
Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau.
Ngoài ra, tùy từng loại còn có các tác dụng riêng biệt như nước hoa cúc làm hạ huyết áp, nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu, nước râu ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu, nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo hộ tế bào gan, nước nụ vối kích thích tiêu hóa…
Lưu ý khi sử dụng các loại nước mát
Thạc sĩ Toàn khẳng định dùng cây cỏ làm nước giải khát là một thói quen tốt và đáng khích lệ vì loại đồ uống này rất có lợi cho sức khỏe, không chứa hóa chất độc hại, rẻ tiền và dễ được cơ thể chấp nhận. Khi dùng người dân cần lưu ý:
- Chỉ nên dùng với liều lượng vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng.
- Đặc biệt, cam thảo thường được dùng để tạo vị ngọt, dễ uống và điều hòa, tuyệt đối không dùng quá nhiều, thông thường mỗi ấm trà chỉ nên cho vài ba lát.
- Tránh mua loại bị ẩm mốc và đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi, nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.
- Hạn chế uống nước sâm sau những bữa ăn có nhiều thực phẩm tươi sống, lạnh, để tránh gây rối loạn tiêu hóa.
- Không nên uống các loại nước này quá nhiều vào buổi tối.
Massageishealthy (Tổng hợp)