1. Khám phá các đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt Nam theo từng vùng miền
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Nền ẩm thực Việt Nam luôn được đánh giá cao bởi cả những người nước ngoài bởi sự đặc trưng trong hương vị, cách chế biến và cả những món ăn đa dạng. Hôm nay hãy cùng Massageishealthy dành chút thời gian tìm hiểu rõ hơn về các đặc trưng văn hoá ẩm thực Việt Nam theo từng vùng miền nhé!
Table of Contents
2. Các nét đặc trưng chung trong nền văn hóa ẩm thực Việt xưa và nay
1. Hòa đồng đa dạng
Người Việt dễ dàng tiếp thu văn hóa ẩm thực của các dân tộc khác, vùng miền khác để từ đó chế biến thành của mình. Đây cũng là điểm nổi bật của ẩm thực của nước ta từ Bắc chí Nam.
2. Ít mỡ
Các món ăn Việt Nam chủ yếu làm từ rau củ quả nên ít mỡ, không dùng nhiều thịt như các nước phương Tây, cũng không dùng nhiều dầu mỡ như món của người Hoa.
3. Đậm đà hương vị
Khi chế biến thức ăn người Việt Nam thường dùng nước mắm để nêm, lại kết hợp với rất nhiều gia vị khác …nên món ăn rất đậm đà. Mỗi món khác nhau đều có nước chấm tương ứng phù hợp với hương vị.
4. Tổng hoà nhiều chất, nhiều vị
Các món ăn Việt Nam thường bao gồm nhiều lọai thực phẩm như thịt, tôm, cua cùng với các loại rau, đậu, gạo. Ngoài ra còn có sự tổng hợp của nhiều vị như chua, cay, mặn, ngọt, bùi béo…
5. Ngon và lành
Cụm từ ngon lành đã gói ghém được tinh thần ăn của người Việt. Ẩm thực Việt Nam là sự kết hợp giữa các món, các vị lại để tạo nên nét đặc trưng riêng.
Những thực phẩm mát như thịt vịt, ốc thường được chế biến kèm với các gia vị ấm nóng như gừng, rau răm… Đó là cách cân bằng âm dương rất thú vị, chỉ có người Việt Nam mới có…
6. Dùng đũa
Gắp là một nghệ thuật, gắp sao cho khéo, cho chặt đừng để rơi thức ăn…Đôi đũa Việt có mặt trong mọi bữa cơm gia đình, ngay cả khi quay nướng, người Việt cũng ít dùng nĩa để xiên thức ăn như người phương Tây.
7. Cộng đồng
Tính cộng đồng thể hiện rất rõ trong ẩm thực Việt Nam, bao giờ trong bữa cơm cũng có bát nước mắm chấm chung, hoặc múc riêng ra từng bát nhỏ từ bát chung ấy.
8. Hiếu khách
Trước mỗi bữa ăn người Việt thường có thói quen mời. Lời mời thể hiện sự giao thiệp, tình cảm, hiếu khách, mối quan tâm trân trọng người khác…
9. Dọn thành mâm
Người Việt có thói quen dọn sẵn thành mâm, dọn nhiều món ăn trong một bữa lên cùng một lúc chứ không như phương Tây ăn món nào mới mang món đó ra.
3. Đặc điểm văn hoá ẩm thực đặc trưng 3 vùng miền Việt Nam
Sự tinh tế trong ẩm thực miền Bắc
Là vùng đất có nền văn hóa lâu đời với nhiều triều đại phong kiến, có thể nói Hà Nội được xem là nơi lưu giữ tinh hoa ẩm thực miền Bắc. Là nơi tổ tiên định cư lâu đời nên từ món ăn đến cái mặc đều được sàng lọc và trở thành chuẩn mực, không dễ gì thay đổi.
Ẩm thực miền Bắc từ cách chế biến, trình bày đến tên gọi món ăn đều rất đơn giản nhưng lại thể hiện nét tinh tế riêng. Món ăn đất Bắc thường thanh đạm, nhẹ nhàng, có vị chua nhẹ của mẻ hay của quả sấu.
Các món ngon đặc trưng của miền Bắc
Các món ăn đặc trưng có thể kể đến như phở Hà Nội, bún chả, bún thang, miến xào cua bể, bánh tôm Hồ Tây, thịt đông,…
Món ăn miền Bắc không chỉ chú trọng vào những món trong ngày lễ Tết, một đặc trưng nữa rất Bắc bộ chính là những món quà bánh. Đây không phải là những món ăn để no những nó lại đem lại cho người ta nhiều háo hức, đặc biệt, nó lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của mỗi người dân xứ Bắc. Các món đặc trưng: các loại mứt làm từ sấu, bánh cốm…
Đậm đà món ăn miền Trung
Miền Trung là vùng đất cằn cỗi, quanh năm đầy nắng, gió và mưa bão, không được thiên nhiên ưu ái như miền Bắc hay miền Nam. Có lẽ vì vậy mà con người nơi đây luôn biết trân trọng và biến những sản vật tuyệt vời thành những món ăn mang những hương vị rất riêng, mà ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.
Ẩm thực của cư dân miền Trung rất phong phú, mỗi địa phương đều có những đặc sản riêng, mang đậm bản sắc phong phú và hương vị của từng nơi. Ẩm thực miền Trung tương đối cầu kì, chú trọng từ hình thức, cách trình bày cho đến tên gọi món ăn, đơn cử như Huế – nơi được xem là cái nôi của ẩm thực miền Trung.
Văn hóa ẩm thực ở Huế được chia ra làm hai loại khác nhau đó là ẩm thực Cung đình và ẩm thực Dân gian. Dù là cao lương mỹ vị hay dân dã mộc mạc thì món ngon xứ Huế đều làm say lòng thực khách từ cái nhìn đầu tiên để rồi xuýt xoa khen ngợi cái hương vị khó quên ấy.
Ngoài màu sắc thì các loại gia vị cũng được người Huế hay người miền Trung chú trọng. Đặc biệt, ớt là gia vị không thể thiếu trong hầu hết các món ăn.
Hầu như các tỉnh miền Trung đều có biển, vì thế không ngạc nhiên khi ớt được sử dụng rất nhiều trong các món ăn bởi nó giúp người đi biển cảm thấy ấm hơn. Và cũng chính cái vị cay đó đã tạo nên một bản sắc riêng không lẫn vào đâu đối với ẩm thực miền Trung.
Những đặc sản, món ăn của nền ẩm thực miền Trung
Các món đặc trưng của người miền Trung có thể kể đến như Cao lầu, cơm hến, bún bò Huế, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh xèo, bánh đập, chả ram,…
Nét ẩm thực đa dạng của miền Nam
Không cầu kì như ẩm thực Cung đình, ẩm thực gia đình miền Nam mang nét giản dị, dân dã mà vô cùng đa dạng. Món ngon miền Nam thường được nêm đường hoặc mang vị ngọt của các loại rau củ và vị béo do sử dụng nước dừa. Chỉ cần những nguyên liệu đơn sơ, bình dị là có thể tạo nên một phong thái riêng cho các món ăn của vùng đất này.
Món ăn của người miền Nam đơn giản, không cầu kỳ như chính con người nơi đây là thật thà, giản dị. Miền Nam món ăn đa dạng, biến hóa khôn lường với vị ngọt, cay, béo do sử dụng nước dừa.
Các món đặc trưng của ẩm thực miền Nam
Các món ăn đặc trưng sử dụng ngọt nhiều: bánh (bánh in, bánh men, bánh ít, bánh bò…), chè (chè kiếm, chè chuối), xôi, nem nướng, cháo gà, gà rô ti… đều sử dụng nước dừa hay cốm dừa để tăng vị béo, vị ngọt.
Các món đặc trưng của nền ẩm thực miền Nam có thể kể đến như cá lóc nướng trui, gỏi cuốn, bún mắm, hủ tiếu Nam Vang…
Khác với vị mặn của người dân miền Bắc, hay cay nồng của người dân miền Trung, người dân Nam Bộ chủ yếu ăn ngọt và thích vị ngọt, nơi đây cũng chính là xuất xứ của rất nhiều những món chè ngon nổi tiếng như chè bà ba, chè đậu, chè bắp…
Nói như vậy không có nghĩa là người miền Nam chỉ ăn ngọt, mà vị của họ thường rất đặc biệt, được gọi là “gì ra nấy”, nghĩa là mặn thì phải mặn quéo lưỡi như món kho quẹt, nước mắm chấm thì phải nguyên chất…còn khi ăn ớt thì dùng loại ớt cay xé, khi ăn cắn nguyên trái thì mới gọi là “đã”…
Đặc điểm món ăn từng miền tuy khác nhau, nhưng vẫn có những điểm tương đồng, thể hiện qua cơ cấu bữa ăn, nguyên tắc chế biến như nước dùng, nước mắm, gia vị hỗn hợp, rau phong phú, các loại nước chấm chế biến đa dạng phù hợp với món ăn.
Mặc dù mỗi phong cách của từng miền đều có sự khác biệt nhưng chính điều đó lại tạo nên một bức tranh ẩm thực đầy màu sắc, đa dạng, hấp dẫn và thể hiện được những nét đặc trưng văn hoá ẩm thực Việt Nam thú vị.
Vì vậy, không chỉ người Việt mà nhiều người nước ngoài đều rất yêu thích văn hóa ẩm thực của đất nước hình chữ S, đúng không các bạn?