Bánh phu thê (hay còn gọi là bánh su sê) là một loại bánh truyền thống của xứ Huế được làm từ bột, đậu xanh gói trong lá dừa, lá dứa rất vuông vức và đẹp mắt. Bánh phu thê có ý nghĩa tượng trưng cho sự gắn bó keo son của vợ chồng, như 2 vỏ bánh gắn lại với nhau vậy.
Table of Contents
Bánh phu thê – Nguồn gốc, ý nghĩa và cách làm bánh phu thê
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Trong số những loại bánh truyền thống của Việt Nam đã quá quen thuộc thì bánh phu thê là một loại bánh mang nhiều ý nghĩa đúng như tên gọi của nó. Xung quanh chiếc bánh này có rất nhiều câu chuyện thú vị bạn đã biết chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Massageishealthy tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé!
Nguồn gốc xuất xứ của chiếc bánh su sê/ bánh phu thê
Nhắc tới bánh phu thê, chắc đã không còn xa lạ đối với mỗi người Việt Nam, chiếc bánh vẫn thường xuất hiện trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi. Bánh phu thê hay còn gọi là bánh su sê hay bánh xu xê không chỉ là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam mà còn hàm chứa trong đó triết lý âm dương của cả dân tộc.
Từ một đặc sản của làng Đình Bảng – Bắc Ninh, bánh phu thê đã nhanh chóng nổi tiếng và trở thành một loại bánh được ưa chuộng trên khắp đất Việt.
Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê.
Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê (hay cũng còn gọi là xu xê) luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ.
Có người lại truyền nhau tên gọi bánh “phu thê” gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh.
Chồng cảm động đặt tên cho bánh là bánh phu thê. Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gửi cho chồng kèm theo lời nhắn:
“Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh rầu bấy nhiêu”.
Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó, người ta truyền nhau rằng bánh phu thê tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng và thường hay có mặt trong tiệc cưới như một lời nhắn nhủ đến các đôi vợ chồng trẻ.
Lại có câu chuyện khác thế này, những em nhỏ của làng Đình Bảng kể lại rằng: Theo truyền thuyết, thời Lý vào những ngày hội hè hay ngày Tết, người dân làng Đình Bảng thường dùng sản vật mình đã cấy trồng ra làm bánh Su Sê, thành tâm dâng cúng tổ tiên, rồi cùng hưởng lộc.
Một lần hội làng, Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên Phi Ỷ Lan về quê lễ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở Đền Đô. Tại đây, dân làng đã dâng Đức vua và Nguyên Phi đặc sản của quê hương là bánh Su Sê. Đức vua và Nguyên Phi thưởng thức món bánh này và khen ngon.
Thấu suốt sự hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn của loại bánh ngon, nhà vua đã truyền rằng bánh nên là một lễ vật trong ngày vui kết thành phu thê. Từ đó, bánh được gọi là bánh Phu Thê.
Nguyên liệu và quy trình làm nên chiếc bánh su sê (bánh phu thê)
Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy.
Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát.
Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.
Khi bóc chiếc bánh ra ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trong suốt nhìn rõ những sợi dừa nạo nhỏ rắc lẫn bên trong trông thật hấp dẫn. Màu vàng của vỏ bánh được tạo thành từ hoa/quả dành dành.
Người làm bánh đem hoa dành dành phơi khô, khi nào làm bánh thì ngâm vào nước sôi để chiết xuất nước có màu vàng, lấy nước này trộn vào bột để tạo màu bánh.
Theo truyền thống bánh được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dừa, tuy trên tráp ăn hỏi có thể bánh được đặt trong hộp giấy màu đỏ. Luộc bánh tốt nhất là luộc bằng bếp củi đun vừa lửa.
Bên trong chiếc bánh trong suốt ấy còn được rắc lẫn những sợi đu đủ nạo nhỏ nữa thế nên khi ăn, ta sẽ có cảm giác giòn giòn, sần sật xen lẫn trong cái dẻo dai của vỏ bánh.
Nhân bánh là đỗ xanh được ngâm kĩ, đãi sạch vỏ, đem hấp chín, nghiền mịn thắng với đường và trộn lẫn vào sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh thường đặt bốn hạt sen ở bốn góc.
Ý nghĩa của chiếc bánh phu thê (su sê) trong đám cưới, tráp cưới hỏi
Người ta cho rằng cách làm chiếc bánh phu thê cầu kì như vậy là để chứa đựng nhiều ý nghĩa ẩn bên trong. Cái cách dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân dường như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình nghhĩa phu thê.
Không những vậy, bánh phu thê còn bao hàm trong nó triết lí ngũ hành một cách tinh tế qua năm màu của bánh: màu trắng của bột lọc và cơm dừa, màu vàng của dành dành dùng làm màu cho vỏ bánh và nhân đỗ xanh, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc. Đó là sự hòa hợp của con người với trời đất, là sự hòa hợp giữa người với người và giữa vợ với chồng.
Có lẽ bởi ý nghĩa âm dương giao hòa và mùi vị thơm ngon, ngọt ngào của chiếc bánh mà công đoạn làm ra nó cũng không hề đơn giản tẹo nào. Bánh phải được luộc bằng bếp củi, đun vừa lửa, mới giữ được vị ngon và mùi thơm của bánh.
Thưởng thức bánh phu thê với nếp dẻo, đu đủ giòn, vị ngầy ngậy của đỗ xanh, vị béo của dừa, vị thơm của hạt sen, vị ngọt thanh của đường và hương thơm của dầu chuối… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hương vị riêng của bánh phu thê, hương vị ngọt ngào của tình nghĩa vợ chồng.
Bánh su sê (xu xê) trong đời sống người dân Việt Nam
Bánh phu thê là một đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Bánh phu thê có ở rất nhiều nơi, nhưng nổi bật nhất là làng Đình Bảng, nơi giữ được truyền thống lâu đời làm bánh phu thê. Bánh phu thê Đình Bảng chân chất mộc mạc, ngon mà mát, đẹp mà không đắt…
Theo những bô lão trong làng Đình Bảng, ngày xưa, chỉ có các gia đình quý tộc, chức sắc mới có tiền mua bánh phu thê. Bánh phu thê ngày đó chỉ được dùng trong những dịp lễ quan trọng hoặc dùng để làm quà biếu sang trọng cho khách phương xa.
Ngày nay, nghề làm bánh phu thê đã phổ biến hơn và với mức sống được nâng cao, hầu như gia đình nào cũng dễ dàng chọn cho mình những cặp bánh phu thê thơm ngon, đẹp mắt.
Ngày nay, nhiều đám hỏi và lễ cưới vẫn chọn bánh phu thê để làm lễ vật vì ý nghĩa âm dương giao hòa tinh tế của nó. Thay vì dùng lá dừa làm hộp bánh như trước kia, người ta thay bằng giấy bóng kính, buộc bánh bằng ruy-băng màu.
Ở nhiều nơi, người ta không còn thấy màu vàng của vỏ bánh phu thê nữa, mà thay vào đấy là màu đỏ, màu trắng nhưng vẫn vuông tròn, mềm dẻo, thơm ngon… và vẫn chứa đựng trong đó ý niệm thủy chung nhắn gửi tới những đôi uyên ương vào ngày cưới.
Hướng dẫn cách làm, gói bánh phu thê lá dứa gói theo kiểu Huế
Nếu ai đã từng ăn Bánh phu thê, thì sẽ không thể quên mùi vị thân thuộc từ những nông sản quê hương, bột lọc, đậu xanh, dừa nhưng tùy theo vùng miền mà có sự biến tấu khác nhau.
Đặc biệt là Bánh phu thê xứ Huế, làm hoàn toàn từ thủ công, không có chất bảo quản nên chỉ dùng trong ngày để giữ sự tươi ngon, cho thấy sự tinh tế và trân trọng chiếc bánh cổ truyền.
Trong ngoài đều được bọc bằng lá dừa. Lá dừa được xếp nếp thành hình vuông, tận dụng răng lá làm nẹp cố định cho chiếc hộp, lớp trong lớp ngoài ôm sát nhau rất dễ sử dụng.
Nhẹ nhàng mở nắp hộp là chiếc bánh vuông vắn trong suốt, điểm màu vàng của đậu, màu trắng của cơm dừa bào sợi, nếm thấy giòn giòn, vị ngọt thanh, thơm dịu, thật không có gì tuyệt vời bằng.
Không phải vô cớ Bánh phu thê xứ Huế lại được gói bằng lá dừa, lá dừa giúp bánh được mát không bị nóng bánh như bọc nilong nên bánh sẽ giữ được khá lâu từ 4 đến 5 ngày nếu bảo quản bên ngoài.
Hộp bánh được làm từ lá dừa, một nguyên liệu hết sức dân dã và gắn liền với đời sống người dân Việt Nam, làm tôn lên giá trị truyền thống của mỗi chiếc bánh. Hộp bánh phu thê có hình vuông nên có ý nghĩa vuông tròn, tượng trưng cho sự viên mãn – trăm năm hạnh phúc của đôi lứa, thường được chưng trang trọng trong đám cưới.
Nguyên liệu làm bánh su sê kiểu Huế
- 500gr đậu xanh cà (loại đã làm sạch vỏ, cà bể làm hai).
- 300gr đường cát trắng.
- Ít nước hoa bưởi nếu thích.
Hướng dẫn các bước làm bánh phu thê lá dứa
Để hoàn thành một chiếc bánh phu thê gói bằng lá dừa thơm ngon đẹp mắt đúng kiểu Huế bạn cần thực hiện theo những bước sau:
Bước 1: Làm nhân bánh phu thê
- Công đoạn đầu tiên trong cách gói bánh phu thê bằng lá dừa là phải làm nhân bánh.
- Đậu xanh rửa sạch rồi ngâm trong nước ấm chừng 2-3 tiếng để đậu nở và mềm; sau đó vớt ra cho vào nồi hấp 20 phút cho chín mềm, bóp thấy hạt nhuyễn là được.
- Cho đậu xanh vào máy xay hoặc nghiền bằng tay cho đến khi sờ vào thấy đậu mịn.
- Bạn đặt chảo lên bếp cho 1 chút dầu ăn vào, đổ đậu xanh đã xay mịn, thêm 50g đường xào cho đến khi hỗn hợp quện đặc lại thành một khối.
- Để tăng hương vị cho món bánh bạn nhỏ thêm vài giọt nước hoa bưởi vào rồi tắt bếp. Đậu nguội bạn chia thành các phần bằng nhau và vê thành từng viên tròn nhỏ.
Bước 2: Làm vỏ bánh phu thê
- Lấy 1 nắm lá nếp xắt nhỏ cho vào máy cùng 1 bát nước xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, bỏ bã.
- Bạn đổ bột năng vào 1 cái bát lớn, thêm 70g đường, 20g dừa nạo sợi, nước cốt lá nếp, và thêm nước vào khuấy đều lên.
- Bạn chú ý cho lượng nước từ từ để hỗn hợp bột không quá đặc không quá loãng đảm bảo cho món bánh vừa ngon vừa dễ gói.
- Đặt nồi lên bếp rồi trút số bột trên vào đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều tay cho đến khi bột nửa sống nửa chín nhưng phải ở dạng sệt chứ không đặc thì tắt bếp.
- Cách khuấy bột nửa sống nửa chín thường được các bà các mẹ gọi là dáo bột, khi bột dáo thì hỗn hợp bột sệt sệt lại ở mức độ có thể đổ chảy được chứ không đặc và hỗn hợp trông sẽ có chỗ trong chỗ đục.
Bước 3: Gói bánh phu thê bằng lá dừa
- Trong cách gói bánh phu thê bằng lá dừa đòi hỏi bạn phải khéo léo để bột không quá dày thừa ra ngoài, nhân bánh dàn đều bên trong khi hấp lên phần vỏ trong có thể nhìn rõ màu vàng của nhân đậu bên trong.
- Làm hộp bánh phu thê: Lá dừa bạn rửa sạch để ráo nước. Nắp hộp bạn đo lá dừa dài 21 cm, xếp thành 5 cạnh bằng nhau, sống lá thành cạnh của hộp, xếp góc 45 độ cạnh vuông nằm bên trong. Phần hộp bạn đo lá 20 cm, cắt đều 1 bên lá xếp so le dùng tăm gài lại.
- Tiếp theo, bạn cắt lá dừa thành từng miếng nhỏ lót vào đáy hộp và lót dài ra một chút để dễ lấy bánh ra.
- Lấy thìa múc một ít bột cho vào khuôn rồi cho một viên đậu xanh vào giữa, ấn đều.
- Tiếp đó thêm một thìa bột lên phía trên bề mặt nhân rồi dùng thìa dàn đều cho bột phủ kín hết lớp nhân.
Bước 4: Hấp bánh và thưởng thức
- Bạn chuẩn bị nồi hấp, cho nước ngập nửa nồi đun sôi thì xếp bánh vào, đậy kín nắp. Khi hấp bạn đun lửa nhỏ để tránh bánh không bị bung và tràn nhân ra ngoài.
- Bạn hấp khoảng 10-15 phút là bánh chín. Khi cho bánh vào hấp bạn không cần đậy phần nắp hộp để dễ quan sát xem bánh chín chưa.
- Sau khi bánh chín bỏ ra ngoài thì đậy phần nắp vào.
Món bánh phu thê gói bằng lá dừa sau khi hoàn thành trông vô cùng hấp dẫn, bánh có vị thơm ngậy của sợi dừa, thanh mát của bột, thơm bùi của đậu xanh.
Trên đây là cách gói bánh phu thê bằng lá dừa hy vọng giúp chị em ghi thêm vào sổ tay nấu ăn một công thức làm bánh mới để trổ tài đảm đang chiêu đãi người thân và bạn bè thưởng thức. Chắc chắn rằng khi được thưởng thức món bánh phu thê này mọi người sẽ vô cùng ấn tượng và không ngớt lời khen ngợi bạn đâu nhé
Cách làm vỏ bánh phu thê bằng lá dứa kiểu Huế
Làm hộp Bánh phu thê bằng lá dừa không khó nhưng đòi hỏi nhiều công đoạn và thời gian. Để làm được những hộp bánh xanh và vuông vứt như vậy ta cần chuẩn bị:
Vật liệu xếp hộp bánh xu xê
- Lá dừa được lau sạch và cắt thành từng đoạn dài 30 cm
- Tăm hoặc cạnh lá dừa để cố định hộp bánh
- Lá dứa lau sạch cắt thành từng đoạn ngắn dùng để lót dưới đáy hộp bánh (đây là bí quyết giúp bánh có mùi thơm tự nhiên và cuốn hút)
Cách làm hộp bánh su sê bằng lá dừa
Bước 1: Chúng ta sẽ làm nắp dưới hộp bánh vì nó được dùng để hấp bánh trước. Ta gập lá dừa thành 5 đoạn, mỗi đoạn 4cm.
Bước 2: Dùng kéo cắt 1 bên lá (ngay những nếp gấp), rồi xếp lại thành hộp.
Bước 3: Dùng tăm/cạnh lá dừa cố định lại hộp bánh.
Bước 4: Bôi 1 ít dầu vào thành nắp dưới hộp rồi lót vào 2 đoạn ngắn lá dứa (xếp thành hình chữ thập)
Bước 5: Sau khi cho bánh vào và hấp, ta làm tiếp nắp trên hộp bánh. Để nắp trên đậy vừa khít với nắp dưới hộp bánh, ta sẽ làm tương tự như xếp nắp dưới nhưng chiều dài mỗi đoạn gấp sẽ dài hơn một chút.
Bước 6: Sau khi bánh chín, chờ để nguội, ta đậy nắp hộp vừa làm xong lên. Như vậy chúng ta đã hoàn thành những chiếc Bánh phu thê duyên dáng đậm vị truyền thống quê hương.
Vài hình thức làm bánh phu thê mà không cần dùng đến hộp làm bằng lá dừa
Dùng một khuôn nhựa lớn, loại có nhiều ngăn nhỏ để làm nước đá chẳng hạn hoặc nhiều khuôn nhựa, kim loại nhỏ cỡ chừng cái ly uống rượu nhỏ xíu cũng được…
Quét vào lòng khuôn một lớp mỏng dầu ăn, đổ vào mỗi ngăn nhỏ một lớp bột dày chừng 1cm tùy ngăn to nhỏ.
Cho vào trên lớp bột 1 -2 muỗng cà phê nhân đậu. Đổ lên trên nhân một lớp bột nữa dày 1cm, lắc nhẹ khuôn cho bột bằng mặt.
Hấp cách thủy khoảng 20 phút sau khi nước sôi là bánh chín, để nguội lóc bánh ra. Bánh chín sẽ đông đặc lại và trở trong đều.
Dùng khuôn chữ nhật bằng nhôm cỡ 30 X 20 cm., có thành cao chừng 2 hoặc 3cm (hoặc tùy ý dùng một cái khay kim loại tương tự có thành cao) láng dầu vào lòng khuôn và đổ bánh với lớp đậu giữa hai lớp bột như trên.
Khi bánh hấp xong và nguội hẳn, dùng dao mỏng bén, lau một lớp dầu mỏng vào luỡi dao cho dễ cắt, cắt bánh thành miếng cỡ 4 X 4cm.
Dùng một khuôn kim loại tròn đường kính chừng 20cm, cao chừng 3cm để đổ nguyên một cái bánh lớn.
Dùng dầu láng vào khuôn là chỉ để bánh dễ lóc ra. Nếu thích, cứ đổ thử mà không cần láng dầu, sau khi nguội thấy bánh lóc ra dễ dàng thì không cần dùng dầu để bánh khỏi bị dây mùi dầu hoặc dùng khuôn, khay loại không dính thì cũng không cần láng dầu hoặc dùng khay khuôn bằng thủy tinh.
Dùng giấy bóng kiếng trắng gói bánh lại, dán dính và tùy ý dùng ruy-băng màu cột thắt ngang dọc để trang trí.
Hình ảnh mâm quả, tráp bánh phu thê dịp cưới , lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ.
Có thể là bánh phu thê, bánh hồng, bánh pía, bánh kem, bánh cốm tùy vào yêu cầu của nhà gái và phong tục từng vùng, trong đó, bánh phu thê là phổ biến nhất. Mang nhiều giai thoại khác nhau xoay quanh câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng, chiếc bánh phu thê thể hiện mong ước về tình yêu mặn nồng, son sắt, hòa quyện vào nhau.
Những thông tin trên chắc chắn vô cùng thú vị giúp bạn tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin về chiếc bánh phu thê vô cùng ý nghĩa mà lại rất thơm ngon, thanh mát đúng không nào. Hãy dành thời gian những ngày cuối tuần thử trổ tài để chiêu đãi cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé! Chúc các bạn thành công!
Massageishealthy sưu tầm và tổng hợp!