Trang chủ Bệnh lý dạ dày, bao tửVi khuẩn Hp 4 phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP dạ dày (Helicobacter Pylori dạ dày)

4 phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP dạ dày (Helicobacter Pylori dạ dày)

bởi Lê Định
Theo dõi Massageishealthy trên Google News

Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) dạ dày là gì

Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày. Tỷ lệ nhiễm chung của người Việt Nam khoảng 70% và chỉ 1-2% số người bị nhiễm HP bị loét dạ dày tá tràng.

Vì vậy, việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn HP dạ dày là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe dạ dày cũng như phòng tránh các biến chứng trong tương lai.

Có nhiều phương pháp khác nhau để tiến hành xét nghiệm nhiễm khuẩn HP dạ dày. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, và tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi cơ sở y tế mà phương pháp nào được lựa chọn cho người bệnh. Chúng tôi tổng hợp các phương pháp phổ biến xét nghiệm HP dạ dày dưới đây để bệnh nhân tham khảo, tìm hiểu và lựa chọn khi cần.

1. Nội soi dạ dày xét nghiệm HP 

Nội soi can thiệp làm Clo-test chẩn đoán nhiễm H.pylori là kỹ thuật lấy một mẫu bệnh phẩm dạ dày qua nội soi dạ dày sau đó làm Test urease để xác định tình trạng nhiễm HP của mô dạ dày.

4 phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP dạ dày (Helicobacter Pylori dạ dày)
Clo-test xét nghiệm HP dạ dày thông qua nội soi

Khi nào cần thực hiện 

  • Các trường hợp nội soi dạ dày có tổn thương viêm hoặc loét
  • Các trường hợp cần làm xét nghiệm tìm H.pylori
  • Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Chống chỉ định

  • Các trường hợp chống chỉ định nội soi dạ dày
  • Các trường hợp bệnh nhân rối loạn đông máu, cầm máu (Tỷ lê Prothrombin dưới 50% và tiểu cầu dưới 50G/L)

Chuẩn bị nội soi

Cán bộ thực hiện: 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng

Phương tiện:

  • Máy nội soi dạ dày ống mềm và các dụng cụ kèm theo
  • Thuốc thử urease test

Người bệnh

  • Nhịn ăn tối thiểu 06 giờ trước khi nội soi
  • Được giải thích kỹ về lợi ích cũng như tai biến có thể xảy ra

Các bước tiến hành

  • Bác sĩ khám bệnh nhân trước khi tiến hành nội soi
  • Thực hiện kỹ thuật nội soi dạ dày
  • Trong khi nội soi, bác sĩ dùng kim sinh thiết lấy 2 mảnh ở hang vị và thân vị dạ dày.
  • Cho bệnh phẩm vào một ống nghiệm nhỏ và ngâm mảnh sinh thiết trong một hỗn hợp dung dịch. Sau 5-10 phút đọc kết quả.
  • Nếu dung dịch đổi sang màu hồng cánh sen là Test H.pylori dương tính.

2. Test thở tìm vi khuẩn HP

Xét nghiệm Urea qua hơi thở là một test đơn giản cho phép xử lý hơi thở của bệnh nhân để phát hiện nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP). Là xét nghiệm được xem như “tiêu chuẩn vàng” cho chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm.

Bệnh nhân được cho uống 1 lượng nhỏ ure có gắn 13C. Enzyme urease của HP (nếu có) sẽ nhanh chóng phân hủy ure gắn 13C thành ammoniac và dioxyt cacbon phóng xạ 13CO2. Dioxyt cacbon có hoạt tính phóng xạ này sẽ nhanh chóng chuyển vào máu và đi tới phổi, chúng sẽ được phát hiện qua khí thở ra.

Chỉ định xét nghiệm khi nào

  • Theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị diệt HP
  • Chẩn đoán nhiễm HP, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi không có chỉ định nội soi dạ dày.

Chuẩn bị bệnh nhân

  • Không ăn uống trước khi thực hiện test thở ít nhất từ 4-6 tiếng đồng hồ
  • Dừng thuốc kháng sinh ít 4 tuần trước khi làm test thở
  • Dừng thuốc PPI ít nhất 1 tuần trước khi làm test thở
  • Dừng thuốc Sucralfate ít nhất 2 tuần trước khi làm test thở
  • Các chuẩn bị khác theo hướng dẫn của cán bộ y tế

Các bước tiến hành

Bước 1: thở vào túi đựng mẫu thứ 1 trước khi uống viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 13C

Chú ý khi lấy mẫu hơi thở:

  • Ngậm túi lấy mẫu hơi thở vào miệng, hít vào bằng mũi và giữ hơi thở trong vòng 5-10 giây.
  • Thở từ từ vào túi lấy mẫu
  • Khi thở vào túi, chú ý hơi thở phải ra từ phổi

Bước 2: uống ngay (trong vòng 5 giây) 1 viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 13C khi bụng đói với 100ml nước. Không nhai, làm nát hoặc hòa tan viên thuốc.

Bước 3: sau khi uống viên thuốc nằm nghiêng trái 5 phút

Bước 4: ngồi yên trong 15 phút

Bước 5: 20 phút sau khi uống thuốc, thở lần nữa vào túi đựng mẫu hơi thở thứ 2

2 túi mẫu hơi thở trước và sau khi uống thuốc sẽ được mang đi phân tích bằng máy quang phổ kế.

Bước 6: Cán bộ y tế đọc và trả kết quả cho bệnh nhân

3. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân được sử dụng để xác định xem có vi khuẩn Hp trong đường tiêu hóa hay không bằng cách tìm kháng nguyên của vi khuẩn Hp lẫn trong phân. Kháng nguyên là các phần tử kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn.

Khi nào thì cần thiết

  • Dấu hiệu của loét dạ dày tá tràng, như là khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, mau no, nôn, buồn nôn, thường xuyên ợ hơi.
  • Sau quá trình sử dụng phác đồ điều trị vi khuẩn Hp để đánh giá hiệu quả diệt Hp của phác đồ điều trị.

Chuẩn bị, tiến hành và thu nhận kết quả

Chuẩn bị

  • Mẫu phân thường được thu thập tại nhà
  • 2 tuần trước khi làm xét nghiệm này, người bệnh không được phép sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc trung hòa acid dạ dày, bismuth, thuốc bao vết loét dạ dày, thuốc kháng acid.

Quy trình tiến hành

  • Sử dụng gang tay bảo vệ và rửa sạch tay.
  • Sử dụng túi nilon chuyên dụng đặt sẵn trong khu vực vệ sinh hoặc khi đang đi vệ sinh để thu thập mẫu phân.
  • Sử dụng một lớp bảo vệ khác quanh túi nilon chuyên dụng để tránh nhiễm khuẩn từ bên ngoài.
  • Đối với trẻ nhỏ, bạn có thể đặt túi nilon chuyên dụng vào trong tã để lấy được mẫu phân dễ dàng vì bé chưa sử dụng bồn cầu cũng như chưa biết báo hiệu khi nào bé đi.
  • Tuy nhiên, bạn cần chú ý không được để mẫu phân tiếp xúc với phần bên trong của loại tã dùng 1 lần bởi vì phần đó thường có tính sát khuẩn nên có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.
  • Không được để nước tiểu lẫn trong mẫu phân.
  • Mẫu phân cần được thu thập trong túi nilon sạch sẽ, khô với miệng có thể đóng kín.
  • Để có kết quả tốt nhất, mẫu phân cần được đưa tới trung tâm xét nghiệm ngay sau khi thu thập.
  • Nếu không thể mang tới ngay trung tâm xét nghiệm thì mẫu phân cần phải bảo quản trong điều kiện lạnh.
  • Cách khác, đó là bác sỹ hay y tá có thể thu thập mẫu phân của bạn bằng cách sử dụng 1 tăm bông để đưa trực tiếp vào trực tràng của bạn.

Các kết quả có thể

  • Khi mẫu phân được đưa tới phòng xét nghiệm, một lượng phân nhỏ được cho vào trong ống nghiệm. Hóa chất và chất tạo màu đặc biệt được thêm vào.
  • Kết thúc xét nghiệm, nếu trong ống xét nghiệm xuất hiện màu xanh dương thì chứng tỏ là có vi khuẩn Hp trong mẫu.

Thời gian nhận kết quả: Xét nghiệm tìm Hp trong phân thường có kết quả sau 1 – 4 ngày.

4. Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP

Bằng cách tìm kháng thể chống lại HP trong máu cho phép xác định trong thời gian gần đây có bị nhiễm HP hay không. Vì kháng thể trong máu giảm rất chậm, do đó sau điều trị diệt hết HP, nồng độ kháng thể vẫn tiếp tục còn  lại trong máu của người bệnh sau một thời gian dài, bởi vậy phương pháp này không thể xác định hiện tại bệnh nhân còn nhiễm hay đã hết nhiễm HP.

Tuy nhiên, đây không phải loại xét nghiệm được ưu tiên thực hiện, chỉ những cơ sở không có phương pháp xét nghiệm nào khác mới thực hiện xét nghiệm này. Lý do là vì vi khuẩn HP có thể tồn tại ở một số khu vực khác như khoang miệng, xoang, đường ruột nhưng hoàn toàn không gây bệnh. Lý do thứ hai là mặc dù vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiệt trừ hết, tuy nhiên, kháng thể kháng HP vẫn có thể lưu hành trong máu trong thời gian một vài tháng tới một vài năm sau đó.

You may also like

You cannot copy content of this page