I – Những món chay ngày Tết ngon đơn giản dễ nấu ngay tại nhà
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Bên cạnh những món mặn phổ biến ngày tết thì ẩm thực chay cũng là một nét đặc trưng của nhiều gia đình Việt Nam. Nếu bạn vẫn còn phân vân chưa biết thực hiện những món chay nào để phục vụ gia đình thì hãy cùng Massageishealthy tham khảo các món chay ngày Tết đơn giản nhưng rất ngon và dễ làm cho ngày Tết nhé.
Có rất nhiều món chay ngon và dễ làm, phù hợp với không khí những ngày Tết, ăn không ngán. Đối với người ăn chay, những món đặc trưng cho ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, mâm cỗ với các món gà, giò thủ, chả lụa… chắc chắn sẽ không phù hợp.
Tuy vậy, có rất nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng mà bạn có thể chế biến và sử dụng trong những ngày Tết thay vì chỉ quanh quẩn vài món rau luộc, đậu chiên, canh chay hay rau củ quả xào…
Table of Contents
1. Cách làm nộm thập cẩm ngày Tết
Nguyên liệu
- 1 quả khế chua
- 12 bìa đậu phụ ráng sẵn
- Bắp chuối nhỏ, cà rốt củ nhỏ,dưa leo: mỗi loại 1 quả
- Vành tai mộc nhĩ
- Giấm, đường, muối, xì dầu , 1 lát dứa thái nhỏ
- Sợi mì chay
- Lạc rang chín, giã nhỏ
- Mách nhỏ: bạn có thể bảo quản nguyên liệu trong ngăn mát tủ lạnh để thuận tiện chế biến trong những ngày tết.
Thực hiện
- Mộc nhĩ sau khi ngâm nước và làm sạch, thái nhỏ thì xào chín với một ít dầu ăn.
- Đậu phụ ráng và thái nhỏ sao cho vừa ăn.
- Bắp chuối thái sợi, ngâm nước có pha ít giấm rồi vớt ra rửa sạch và để cho ráo nước
- Cà rốt thái sợi, trộn thêm một ít đường, giấm và muối, ướp trong 15 phút, sau đó vắt cho ráo nước.
- Khế làm sạch, thái sợ, vắt cho bớt chua. Dưa leo rửa sạch, thái sợi.
- Mì chay sau khi chần qua nước nóng thì ráng vàng bằng dầu ăn.
- Nước chấm làm theo công thức: 3 muỗng canh xì dầu: 1 muỗng canh nước lọc: dứa thái nhỏ và thêm một ít gia vị theo khẩu vị mỗi người.
- Sau khi hoàn thành giai đoạn chuẩn bị: xếp khế, dưa leo, cà rốt, mộc nhĩ, bắp chuối, đậu phụ vào tô. Cho mì đã ráng vàng vào và rắc lạc rang lên trên.
- Khi ăn cho xì dầu vào và trộn đều.
2. Cách nấu canh khổ qua chay đơn giản
Nguyên liệu
- 2 trái khổ qua
- 200g đậu phụ trắng
- Cà rốt
- 23 tai nấm mèo
- 1 đoạn hành tỏi tây
- 20g bún tàu
- Gia vị chay, tiêu, muối
Thực hiện
- Nấm mèo sau khi ngâm nước, rửa sạch, để cho ráo và thái nhuyễn. Cà rốt thái nhuyễn, hành tỏi tây băm nhỏ.
- Đậu phụ lau khô, dùng tay bóp nát. Bún tàu ngâm cho mềm rồi cắt khúc nhỏ.
- Trộn các nguyên liệu đã chuẩn bị vào tô lớn. Nêm gia vị cho vừa ăn, thêm một ít tiêu cho thơm. Dùng tay trộn đều gia vị và nguyên liệu.
- Khổ qua rửa sạch, bỏ ruột. Dồn đậu phụ vào, ém đậu phụ bằng tay cho thật chặt.
- Cho dầu ăn và hành tỏi tây vào nồi, đợi dầu nóng cho thêm một lượng nước vừa đủ ăn. Khi nước sôi cho khổ qua vào và thêm một ít muối. Đợi khổ qua mềm thì nêm nếm sao cho vừa ăn.
- Múc khổ qua ra tô, trang trí và rắc tiêu lên trên cho đẹp mắt.
Với cách thực hiện đơn giản và dễ làm bạn đã có thể nấu được những món chay vừa ngon vừa hấp dẫn để phục vụ cả nhà rồi đấy.
3. Cách làm gỏi măng, nộm măng đơn giản
Ngày Tết của các gia đình miền Bắc thường rất hay có món măng như canh măng, miến nấu măng hay đơn giản hơn như măng xào. Ngoài ra, bạn cũng có thể biến tấu nhẹ một chút vơi món gỏi măng cũng hấp dẫn vô cùng.
Măng tươi luộc với một ít muối cho ra hết chất độc, xé nhỏ, sau đó trộn với đậu hũ chiên, đậu hũ ki và rau răm cắt nhỏ, hành phi, đậu phộng rang giã.
Đặc biệt không thể quên phần nước xốt trộn gỏi đậm đà được làm từ nước tương (hoặc nước mắm chay), đường, muối, nước cốt chanh mặn mặn, chua chua.
Nguyên liệu
- 300-400gr măng tươi
- 1 bó rau răm
- 1 miếng đậu chiên
- Tàu hũ ky khô
- Đậu phộng rang
- Nước tương , chanh, ớt , bánh tráng nướng
Cách làm
- Bước 1: Luộc măng với ít muối cho ra hết chất độc, xả nước lạnh vắt ráo .
- Bước 2: Rau răm lặt lá cắt nhỏ. Đậu chiên cắt nhỏ .Tàu hủ ky chiên giòn.
- Bước 3: Làm nước trộn gỏi : 1 thìa nước tương + 1 thìa đường + 1/4 thìa muối + nước cốt chanh; nêm nếm theo khẩu vị.
- Bước 4: Phi ít dầu và hành củ cho thơm trộn vào măng , cho nước trộn gỏi từng ít vào trộn nếu thấy vừa miệng thì ngưng . Bóp nhỏ tàu hủ ky chiên vào trộn cùng măng với rau răm, đậu hũ chiên.
- Bước 5: Cho gỏi ra dĩa rắc đậu phộng rang lên trên , ăn kèm với bánh tráng nướng và nước tương.
4. Cơm sen thanh đạm cho ngày Tết
Cơm chay gói lá sen là một món ăn mang chút hoài niệm của vùng đất cố đô Huế. Món ăn dân dã nhưng lại có gì đó rất thanh tao này chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên vì hương vị thơm ngon nhưng lại có cách chế biến khá đơn giản.
Cơm trắng bạn đem chiên với hạt sen đã luộc, cà rốt thái hạt lựu, đậu hũ chiên, nêm nếm một chút gia vị cho vừa ăn. Sau đó, bạn gói cơm vào lá sen đã được rửa sạch và lau khô.
Cơm vừa có vị ngọt, bùi của hạt sen, lại thoang thoảng hương thơm của lá sen sẽ là một gợi ý không tồi cho những ngày Tết của bạn.
Nguyên liệu
- 3-4 chén cơm trắng để nguội
- 2 bìa đậu hũ trắng
- 150gr hạt sen, 150gr bắp hạt
- 1 củ cà rốt
- 2 muỗng canh bơ thực vật đun nóng chảy
- Tỏi, hành tím băm, gia vị nêm nếm: tiêu, muối, đường
- 1 lá sen to rửa sạch, để ráo
Cách làm
- Hạt sen ngâm nước rửa sạch, luộc chín. Cà rốt rửa sạch, cắt hạt lựu. Bắp hộp lấy ra để ráo nước.
- Đậu hũ mua về rửa sơ qua nước, cắt hình con cờ, chiên trong chảo dầu cho vàng đều các mặt.
- Bắt chảo lên bếp, cho bơ vào chảo cho chảy rồi cho tiếp hành tỏi băm vào, sau đó, cho tiếp cơm trắng vào, nêm 1 muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê đường.
- Dùng xẻng xào cơm cho thật đều, đến khi hột cơm săn lại thì cho cà rốt vào trộn đều, tiếp tục cho sen, bắp vào.
- Cuối cùng cho đậu hũ chiên vàng vào. Nêm lại cho vừa miệng rồi rắc tiêu tắt bếp.
- Đặt lá sen rửa sạch vào một tô sâu lòng, múc cơm vào chính giữa lá rồi gấp 4 đầu chiếc lá lại.
- Để cơm trong lá sen khoảng 15 phút rồi mới dùng kéo cắt mặt trên của gói cơm và dùng với nước tương và ớt xắt.
5. Nem (chả) rong biển
Chả giò là món ăn rất phổ biến trong những ngày Tết. Vậy bạn nghĩ sao về món nem rong biển được biến tấu nhẹ từ món chả giò mặn này? Thay vì sử dụng thịt làm nhân, bạn thay bằng rong biển tươi trộn cùng với miến, mộc nhĩ và đậu hũ.
Đặc biệt ở phần nước chấm, bạn xào gừng xắt sợi với một ít dầu ăn, sau đó cho nước làm kim chi vào nấu cùng, thêm một ít bột năng cho xốt sánh, nêm thêm chút đường, nước tương. Nước chấm được chế biến theo công thức rất đặc biệt này sẽ giúp món nem rong biển đậm đà hơn và cũng hấp dẫn hơn.
6. Chả chay ngày Tết truyền thống
Để ăn kèm với cơm, bạn cũng có thể tự làm chả chay tại nhà bởi chả chay có cách làm khá đơn giản chứ không phức tạp như chả mặn. Đầu tiên, bạn chuẩn bị đậu hũ ki và ngâm với nước, sau đó luộc qua, ướp với muối, tiêu, hành boa – rô phi thơm, có thể thêm hạt nêm chay.
Vắt ráo đậu hũ ki rồi cuộn thật chặt tay trong lá chuối, luộc sôi khoảng 1 tiếng, để nguội là có thể cắt ra dùng. Chả chay có thể bảo quản được 3 – 4 ngày trong tủ lạnh. Không quá khó để làm món chả chay tại nhà
Nguyên liệu
- 500g phù trúc tươi (bạn cũng có thể dùng phù trúc khô hay còn gọi là váng đậu)
- 3 gốc hành ba rô
- Dầu ăn
- Lá chuối, lạt tre
- Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu xay, tiêu hạt
Cách làm
Bước 1: Đầu tiên, bạn xắt nhỏ gốc hành ba rô ra.
Bước 2: Cho 1 bát nhỏ dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng, bạn cho hành đã xắt nhỏ vào phi lên. Đến khi hành đã vàng lại, bạn tắt bếp rồi đổ dầu ăn và hành ra bát. Vớt hành ra cho vào 1 bát riêng. Mình sẽ dùng phần dầu ăn được phi thơm này để ướp phù trúc, còn đối với hành phi, bạn có thể để dành ăn kèm với các loại cuốn cũng rất ngon.
Bước 3: Chuẩn bị sẵn 1 tập lá chuối để gói, dùng khăn ướt lau sạch 2 mặt. Bạn nhặt khoảng 2-3 lá ra, cắt thành từng miếng có chiều ngang khoảng 15cm để gói 2 đầu chả lụa.
Bước 4: Để chuẩn bị phù trúc, bạn đổ nước ấm vào 1 chậu sạch, sau đó cho phù trúc vào rửa. Đến khi nước bắt đầu đục, bạn đổ nước mới vào và tiếp tục rửa. Khi rửa xong, bạn dùng tay vắt thật chặt để phù trúc ráo hết nước.
Nếu dùng phù trúc khô, bạn nhớ ngâm cho mềm trước khi rửa.
Bước 5: Để tạo hương vị cho món chả lụa, với mỗi 500g phù trúc, bạn cho 2 thìa canh dầu ăn đã phi hành ở bước 2, 1 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê tiêu xay và 1/2 thìa cà phê tiêu hạt. Bạn có thể tự nêm nếm để chả có độ mặn tùy theo ý thích.
Bước 6: Để gói chả lụa, bạn trải 2 tấm lá chuối lên một mặt phẳng rộng rồi cho phù trúc vào 1 góc. Cuộn lại cho thật chặt tay.
Bước 7: Dùng lạt buộc xung quanh phần giữa thân chả giò, buộc lạt lại tương tự như cách bạn buộc lạt khi gói bánh tét. Để gói dễ hơn, bạn có thể cố định trước bằng dây chun, sau đó mới buộc lạt bên ngoài, hoặc dùng dây nylon buộc lại cũng được nhé!
Sau khi cố định ở giữa thân, bạn gấp 1 đầu lá chuối lại rồi dựng chả lụa dọc lên, ấn đều phù trúc xuống. Sau đó, bạn gấp lá chuối lại, lấy 2 miếng lá chuối cắt nhỏ ở bước 3 phủ hình chữ thập lên rồi dùng lạt buộc lại. Làm tương tự cho đầu bên kia, sau đó bạn buộc thêm 2 lạt ở giữa nữa để chả lụa thêm chặt.
Bước 8: Hấp chả lụa: Nếu hấp nhiều, bạn dùng nồi lớn, đổ nước khoảng 1/3 nồi rồi đặt rá vào sao cho nước không ngập đến rá.
Bước 9: Xếp chả lụa vào rồi đem hấp ở lửa vừa trong 3 tiếng. Nếu chỉ hấp khoảng 1-2 đòn, bạn có thể dùng nồi cơm điện: đổ nước khoảng 1/2 nồi, đặt rá hấp cơm nguội lên, cho chả lụa vào rồi đậy lại nấu, đến khi nước cạn là chả lụa chí
7. Cách nấu canh chua chay đơn giản
Canh chua chay là món canh dễ nấu và cũng dễ ăn, ngon và bổ. Canh chua có cách chế biến khá đơn giản với các loại rau thường ngày vẫn thấy như cà chua, bạc hà, đậu bắp, thơm và nước cốt me chua.
Vị chua chua, thanh mát của canh dùng với mì, bún tươi hay cơm trắng đều phù hợp. Tuy nhiên so với những món như trên thì canh chua thường không để qua đêm được, vì thế bạn nên lưu ý chế biến và dùng canh ngay trong ngày.
Mâm cơm ngày Tết thông thường sẽ có nhiều món chiên, xào hoặc nhiều món được làm từ thịt. Vì thế những món ăn chay mà Massageishealthy chia sẻ như trên không những phù hợp với người ăn chay mà còn rất thích hợp với người ăn mặn.
Ngoài gỏi măng, cơm sen, nem rong biển, chả chay hay canh chua vẫn còn nhiều món ăn hấp dẫn khác như củ sen kho chay, nấm xào ớt chuông, gỏi bưởi chay, cơm cháy chay mỡ hành, sushi gạo lứt…
Đây đều là những món ăn ngon, tốt cho sức khỏe nếu ăn một lượng vừa đủ và còn có thể thực hiện ngay tại nhà nữa. Nếu bạn đang kinh doanh một quán ăn chay, những gợi ý như trên cũng rất phù hợp để bạn bổ sung vào thực đơn các món ăn chay của quán.
Ăn chay một vài ngày vào dịp Tết không những “chống cơn ngán” thịt thà, dầu mỡ mà còn giúp bạn giữ được vóc dáng đẹp và sức khỏe tốt, đón một cái Tết thật vui vẻ và hạnh phúc bên người thân, gia đình.
II – Cách làm thực đơn mâm cỗ chay cúng ngày Tết đơn giản
Ngày càng nhiều gia đình chọn nấu món chay làm mâm cúng ngày đầu năm. Người ta quan niệm, ăn chay ngày Tết là để bớt sát sanh, tạo nghiệp lành, cầu cho năm mới nhiều bình an.
Không chỉ vậy, ăn chay cũng là một cách để thanh lọc cơ thể, cân bằng dinh dưỡng, khi mà đã quá chán ngán những bữa tiệc tùng lắm thịt cá.
Nếu bạn chưa biết chọn món gì để có mâm chay ngon, thì hãy tham khảo mâm cúng chay thịnh soạn mà Massageishealthy đã chuẩn bị ngay sau đây nhé!
1. Chả khoai mỡ chiên
Món chả khoai mỡ chiên này tuy hơi lạ, nhưng lại rất dễ làm, nên bạn cứ tự tin trổ tài. Thay vì cắt lát, khoai mỡ được bào nhuyễn, rồi chiên thành miếng chả to nhỏ tùy ý. Miếng khoai béo, bùi, giòn rụm sẽ khiến cả nhà thích mê.
2. Chả giò phù trúc
Tên gọi nghe kêu vậy thôi, thực ra đây là món chả giò chay được gói bằng lá tàu hũ ky, hay còn gọi là váng đậu, phù trúc. Phần nhân chả giò chay thì bạn cũng có thể tha hồ biến tấu, dùng đậu hũ hoặc khoai môn, khoai mỡ, bắp,… để phù hợp với khẩu vị gia đình.
3. Tàu hũ ky chiên giòn
Tàu hũ ky đem ướp chút gia vị, rồi chiên lên là cũng đủ tạo thành món ngon đầy hấp dẫn. Với những lá tàu hũ ky không đủ lớn, không gói chả giò được, bạn tận dụng làm món này luôn cũng rất hay nè!
4. Rau củ xào chay
Bằng cách dùng các loại rau củ có vị ngọt tự nhiên, bạn cũng có thể làm món rau củ xào chay ngon và đậm đà chả kém ai. Không những ngon, món này còn rất bắt mắt, nổi bật trong mâm cúng lắm đấy!
5. Đậu hũ kho nấm rơm
Món kho này không những siêu đơn giản mà còn tiết kiệm thời gian nữa, chỉ cần 30 phút là xong rồi. Bí quyết làm món đậu hũ kho nấm ngon là bạn hãy chờ cho món ăn gần chín thì mới cho nấm, để nấm thấm mặn vừa đủ.
Ngoài nấm rơm, bạn dùng nấm hương, nấm đông cô để kho cũng rất thơm ngon. Chuẩn bị thêm nồi cơm dẻo thơm để ăn với Đậu hũ kho nấm là hết ý!
6. Gỏi cuốn chay
Món gỏi cuốn, với vị ngon nhẹ nhàng, là món ăn được nhiều người ưa thích. Giản dị với chút rau, bún, đậu hũ,… gỏi cuốn chay ăn vừa ngon vừa dễ chịu. Lưu ý thêm phần nước chấm gỏi cuốn để có món ngon mỹ mãn nhé!
7. Canh rau củ nấu chay
Canh rau củ chay đơn giản này sẽ làm cả nhà thích mê đấy! Nhờ bắp mỹ, canh có vị ngọt tự nhiên, ăn vào cảm giác thanh nhẹ, ngọt mát rất tuyệt vời. Thêm vài chén nước tương, tương ớt để chấm, cộng với đĩa trái cây tráng miệng nữa là có mâm chay ngon lành, đầy đủ.
Với mâm cúng chay đầu năm thanh nhẹ, đủ đầy như thế này, chúc gia đình bạn có một năm mới sung túc và thật nhiều sức khỏe, nhiều điều bình an!
III – Mâm cơm chay ngon hoàn hảo cúng Rằm tháng giêng
Những món chay vô cùng thơm ngon, hấp dẫn, dễ làm chắc chắn sẽ khiến những tín đồ chay mê mẩn. Canh nấm, miến trộn, nem rau củ, bì cuốn chay, chè trôi nước là những món ăn chay ngon miệng và rất phổ biến.
Rằm tháng Giêng sắp đến, còn gì bằng khi bạn tự tay làm những món này dâng lên tổ tiên để thể hiện tấm lòng hiếu thảo và tận tâm? Cách làm mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng không khó.
1. Xôi gấc đậu xanh
Món xôi gấc đậu xanh không ai có thể cưỡng lại từ hương vị cho đến màu sắc đều bắt mắt. Màu đỏ của xôi cũng là màu may mắn vì thế rất nhiều chị em chọn món xôi này trong ngày rằm, mùng 1.
Làm xôi gấc rất đơn giản, chỉ cần chuẩn bị nếp cái hoa vàng, đậu xanh, đường, gấc và nấu như xôi bình thường. Màu đỏ là từ ruột gấc bạn đem trộn cùng nếp khi vo gạo rồi đổ vào nồi hông.
Nếu bạn muốn ăn xôi gấc ngọt, đợi đến khi xôi nguội bớt, bạn cho thêm một ít đường sao cho vừa ăn và xới tơi đều thì xôi sẽ rất mềm, ngon, ngọt.
2. Nem chay, chả giò chay
Nem rán là món không thể thiếu trong mâm cỗ. Trong ngày rằm tháng 7 các bạn cũng hoàn toàn có thể chế biến món nem này không từ thịt.
Nguyên liệu:
- Miến dong, mộc nhĩ, củ đậu, nấm hương, nấm rơm, rau thơm, rau sống, bánh đa nem.
Cách làm:
- Mộc nhĩ ngâm nước muối, cắt bỏ chân rửa sạch và băm nhỏ. Miến dong cắt nhỏ, nấm hương, nấm rơm, hành lá cũng thái nhỏ.
- Đỗ tương ngâm qua đêm rồi luộc sơ (không luộc chín quá sẽ bị nát).
- Trải bánh đa nem ra và gói nem. Sau đó rán nem vàng đều hai mặt. Món nem này ngon chẳng kém nem thịt, có cái hơn là hươpng vị rất thanh đạm dễ ăn.
3. Tôm chay
Nguyên liệu:
- Váng đậu, rong biển, mì pasta, gia vị, màu thực phẩm đỏ cam.
Cách làm:
- Ngâm váng đậu qua nước khoảng 30 giây cho mềm và cắt thành các miếng vuông khoảng 7-10cm.
- Phần váng đậu thừa ngâm tiếp để mềm hơn sau đó cắt nhỏ và cho gia vị ướp khoảng 1 giờ đồng hồ. Rong biển cũng cắt nhỏ, bóp nhuyễn trộn cùng tàu hũ.
- Trải váng đậu ra đĩa và cho váng đậu cùng rong biển vào cuộn nhẹ nhàng, cho mì pasta làm đuôi tôm sau đó dùng dây cột lại.
- Để có màu tôm thì nhúng qua lớp bột thực phẩm màu đỏ cam.
- Hấp khoảng 30 phút là đã có món tôm chay hấp ngon và đẹp y như tôm thật. Bạn cũng có thể làm món tôm rán theo cách này.
4. Giò chay
Nguyên liệu:
- Váng đậu, tỏi, muối đường hạt tiêu, lá chuối, dây buộc.
Cách làm:
- Ngâm váng đậu trong nước ấm tầm 20 phút cho mềm, sau đó vớt ra xả sạch. Luộc váng này đến khi mềm thì vớt ra để ráo nước.
- Tỏi thái mỏng phi thơm. Cho đường và muối vào váng đậu ướp trong khoảng 15 phút cho ngấm, sau đó vắt thật khô.
- Tiếp đó, cho tiêu, bột nêm và tỏi đã phi thơm vào trộn đều nêm nếm vừa vặn theo khẩu vị.
- Rửa sạch lá chuối và hơ trên lửa để lá mềm, dai. Sau đó dùng lá chuối bó váng đậu như bó giò. Buộc chặt xung quanh.
- Cho giò vào nồi luộc khoảng 1 giờ đồng hồ. Vớt ra để nguội và cắt thành khoanh vừa ăn xếp ra đĩa.
5. Gỏi ngó sen
Đối với những người Hà Nội thì món ăn này không thể thiếu trong mâm cúng giỗ chạp. Món chay nhưng ăn lại rất ngon, chống ngán cho những thực phẩm khác.
Nguyên liệu:
- Ngó sen, cà rốt, dưa leo, lạc, ớt, rau răm, rau mùi, muối, chanh, đường.
Cách làm:
- Ngó sen rửa sạch cắt khúc dài khoảng 4-5cm chẻ làm đôi và ngâm vào nước thêm chút muối dể ngó sen không bị thâm đen.
- Sau đó rửa thật sạch, vớt ra rổ cho ráo. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc cỡ 4-5cm sau đó thái sợi nhỏ. Dưa leo rửa sạch, chẻ đôi rồi lát lát mỏng. Rau thơm, kinh giới, rau mùi sơ chế sạch, để ráo nước, thái rối.
- Pha nước trộn: Dùng nước mắm, giấm, đường với tỉ lệ: 1:2:1 vào bát và khuấy đều thành hỗn hợp chua ngọt, có thể cắt thêm ớt nếu ăn cay.
- Cho tất cả các nguyên liệu (trừ rau) vào âu to và rưới nước trộn đã làm trộn đều để khoảng 5-7 phút ngấm đều. Gần ăn mới cho rau thơm, lạc rang đã giã vào trộn đều và bày ra đĩa.
6. Miến xào chay thập cẩm
Nguyên liệu:
- Miến, đậu đũa, cà rốt, súp lơ, hậu phụ, gia vị.
Cách làm:
- Miến rửa sạch, ngâm vào nước lạnh trong 30 phút để cho mềm. Nấm rơm gọt rửa sạch, ngâm nước muối 5 phút.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát hoặc cắt sợi. Đậu que cắt đầu đuôi, tước xơ, cắt đôi. Đậu hũ chiên vàng, cắt dọc nhỏ.
- Bắc chảo lên bếp và phi hành thơm sau đó cho cà rốt, đậu đũa, súp lơ vào xào qua. Tiếp theo cho nấm rơm, đậu hũ vào xào mềm, nêm gia vị vừa ăn.
- Khi gia vị ngấm thì đổ miến vào xào cùng, đảo nhẹ tay miến vừa chín tới thì rắc tiêu, ớt, hành, mùi tàu thơm.
7. Canh nấm chay
Nguyên liệu:
- Nấm rơm, nấm đông cô, đậu Hà Lan, đậu phù, cà rốt, hành mùi.
Cách làm:
- Cà rốt gọt vỏ thái khúc, đậu Hà Lan nhặt tước xơ, nấm cắt bỏ chân rửa sạch để ráo, đậu phụ thái miếng vừa ăn. Hành mùi rửa sạch thái nhỏ.
- Phi thơm hành và cho cà rốt vào xào. Thêm nước vừa đủ ăn đun sôi. Cho các loại rau và nấm vào.
- Canh sôi thả đậu phụ cùng nấm đông cô vào trước tiếp đến cho đậu Hà Lan đun sôi lần nữa. Thêm gia vị vừa miệng.
- Khi canh sôi cho nấm rơm vào đun tiếp khoảng 1-2 phút. Thêm hành hoa, rau mùi. Nêm chút mì chính và tắt bếp, cho canh nấm chay ra bát bát.
8. Miến trộn thập cẩm
Nguyên liệu:
- 250g miến
- 5 tai nấm mèo
- 50g đậu phụ trắng
- 1 củ cà rốt
- 1 thìa canh lạc rang giã nhỏ
Cách làm:
- Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh sau đó thái chỉ.
- Vo sạch miến trong nước lạnh. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi tắt lửa, cho miến vào ngâm khoảng 3-5 phút. Tuỳ từng loại miến mà thời gian ngâm khác nhau, khi miến nở vừa tới (chín nhưng không quá mềm) thì đổ miến ra rổ, rửa qua nước lọc rồi dùng đũa xóc đến khi ráo nước miến sẽ tơi ngon. Dùng kéo cắt miến thành đoạn 10cm.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi. Đậu phụ cắt lát mỏng, rán vàng rồi dùng kéo cắt chỉ.
- Bắc chảo lên bếp, cho cà rốt, nấm mèo vào xào, thêm tí nước lạnh để không cháy chảo, nêm muối, đường vừa ăn. Nấm và cà rốt vừa chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào đảo đều rồi cho miến vào dùng đũa xóc đều.
- Gắp miến trộn ra đĩa, rải đậu phụ bên trên, sau cùng là lạc rang và rau thơm.
Với cách làm này đĩa miến trộn của bạn sẽ tơi ngon, không bị dính, gia vị được nêm vào rau xào sẽ ngấm qua cho miến có độ mặn vừa phải, người có khẩu vị mặn có chan thêm nước chấm chay chua ngọt hoặc xì dầu.
9. Nem rau củ
Nguyên liệu:
- 1 củ cà rốt, 1 củ khoai tây, 1 củ khoai lang
- 3 tai nấm mèo, 10 cái nấm hương
- 50g miến khô
- 1 tập bánh đa đậu xanh
- 1 thìa cà phê bơ thực vật
Cách làm:
- Cà rốt, khoai tây, khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, bào nhỏ.
- Nấm tai mèo, nấm hương, ngâm nở, cắt gốc, rửa sạch, thái chỉ.
- Miến ngâm nước lạnh vài phút cho mềm rồi cắt khúc 3cm.
- Cho tất cả nguyên liệu vào thố, nêm muối, đường, mì chính theo khẩu vị gia đình, đeo găng tay nilon vào trộn đều các thứ.
- Ướp 15 phút rồi cuốn nem bằng bánh đa đậu xanh.
- Bắc chảo dầu lên bếp, cho thêm 1 thìa cà phê bơ thực vật để tạo hương thơm và nem có màu vàng đẹp.
- Rán nem trong lửa liu riu, khi nem chín giòn thì vớt ra, dựng nem đứng trong bát tô có lót giấy thấm dầu.
Nem rau củ chay làm theo cách này sẽ giòn lâu và thơm nức mùi bơ, dậy mùi nấm hương, bùi vị khoai, chấm nước chấm chay chua ngọt nữa thì ngon tuyệt. Món nem rau củ này sẽ làm mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng thêm hấp dẫn.
10. Bì cuốn chay
Nguyên liệu:
- 50g đậu phụ trắng; 50g khoai tây; 50g khoai lang; 50g miến khô; xà lách, rau thơm; bánh đa nem; 1/3 bát gạo
Cách làm:
- Xà lách, rau thơm rửa sạch, để ráo.
- Đậu phụ, khoai tây, khoai lang thái lát mỏng, rán vàng rồi dùng kéo cắt chỉ.
- Gạo vo sạch, rải ráo nước rồi cho vào chảo rang vàng, giã nhuyễn để làm thính trộn bì.
- Vo sạch miến trong nước lạnh. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi tắt lửa, cho miến vào ngâm khoảng 3-5 phút, miến nở vừa tới thì đổ ra rổ, rửa qua nước lọc rồi dùng đũa xóc đến khi ráo nước, dùng kéo cắt đoạn 3cm.
- Cho miến, khoai, đậu phụ vào thố, rải thính bên trên, trộn qua một lượt cho miến tơi rồi nêm đường, muối vừa ăn, trộn lần nữa cho đều.
- Trải bánh đa ra đĩa, xếp rau và bì trộn lên trên rồi cuốn lại.
Bì cuốn chay béo bùi vị khoai và đậu phụ rán được dùng kèm nước chấm chay chua ngọt có cà rốt, su hào ngon tuyệt, ăn mãi không chán.
11. Chè trôi nước khoai tím
Nguyên liệu:
- 2 – 3 củ khoai lang tím; 200g bột gạo nếp; 1/4 bát nhỏ đường nâu; 1 nhánh gừng; vừng rang thơm; Đỗ xanh: 200g
Cách làm:
- Khoai lang tím rửa sạch, hấp hoặc luộc chín, tán nhuyễn.
- Trộn khoai lang và bột gạo nếp vào với nhau, vì khoai lang đã ngọt bạn không cần thêm đường, từ từ đổ nước ấm tầm 60 độ C vào.
- Vừa đổ nước vừa dùng tay nhồi đến khi khoai mịn dẻo, đậy kín ủ khoảng 30 phút để bột nở, tùy theo độ hút nước khác nhau của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.
- Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho sạch, hấp chín đỗ, dùng muôi cán mịn hay dùng máy xay, xay đỗ thật mịn với đường cát trắng tùy theo độ ngọt bạn thích.
- Chia bột nếp thành từng phần bằng nhau và viên tròn.
- Đỗ xanh cũng viên tròn nhưng viên nhỏ bằng ½ viên bột nếp.
- Ấn dẹt phần bột ra lòng bàn tay, đặt nhân đỗ xanh vào giữa viên tròn lại. Lần lượt làm như vậy cho đến hết phần nguyên liệu.
- Đun 1 nồi nước sôi, khi nước sôi thả từng viên chè trôi vào đun sôi đến khi viên chè trôi nổi lên, vớt ra bát.
- Ở 1 nồi khác bạn pha khoảng 2-3 bát con nước cùng đường nâu và vài lát gừng cắt mỏng đun sôi rồi thả chè trôi vào đun khoảng 3-4 phút cho phần nước ngấm vào từng viên chè.
- Tắt bếp chút chè ra bát thêm ít vừng rang thơm lên trên.
CÁCH PHA NƯỚC CHẤM CHAY CHUA NGỌT
- Cà rốt, su hào gọt vỏ, rửa sạch, bài lát cực mỏng. Pha 1/2 thìa cà phê muối trắng với 300ml nước lọc, ngâm cà rốt và su hào vào nước muối đến khi cần dùng.
- Cho 20g đường vào chảo, thắng đường đến khi đạt màu vàng cánh gián thì đổ 1 bát con nước lọc vào, đun cho tan đường rồi tắt bếp.
- Nêm thêm đường, muối, mì chính, nước cốt chanh vừa ăn rồi cho cà rốt, su hào vào.
Với cách làm nước chấm chay này bạn sẽ có những bát nước chấm trong vắt đẹp màu, có vị ngon như nước mắm mặn mà lại không nặng mùi như nước mắm, bảo đảm ai ăn cũng sẽ thích.
Mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng cũng không cần quá cầu kì, nhiều món, cái này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện mỗi gia đình.
Massageishealthy sưu tầm và tổng hợp.