Vitamin B có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Vitamin nhóm B gồm 8 loại là Thiamin (vitamin B1), Riboflavin (vitamin B2), Niacin (vitamin B3, vitamin PP), Axit pantothenic (vitamin B5), Pyridoxine (vitamin B6 ), Biotin (vitamin H, vitamin B7), Folate (axit folic, vitamin B9), Cyanocobalamin (vitamin B12). Các tác dụng của vitamin B rất khác nhau tùy vào mỗi loại nhưng đều đóng những vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe cơ thể chúng ta.
Bài viết khá dài nhưng tương đối đầy đủ, bạn có thể xem nhanh mục mình quan tâm bằng việc Click vào nội dung ngay tại Dàn Ý Nội Dung Bài Viết nhé.
I. Vitamin B là gì, có mấy loại vitamin nhóm B
Click để hiển thị dàn ý chính bài viết
Vitamin nhóm B là hợp chất hòa tan, không lưu lại trong cơ thể lâu nên cần phải bổ sung thường xuyên qua những thực phẩm dùng hàng ngày. Như nhiều nhóm vitamin khác, vitamin B có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Không chỉ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, vitamin B còn có tác dụng làm trắng da tuyệt vời, giữ làn da mềm mại và mịn màng.
Bổ sung vitamin B cho da, đặc biệt là với những người có da không đều màu, bạn sẽ thấy hiệu quả kỳ diệu chỉ sau một thời gian ngắn. Sự kết hợp của vitamin B với các vitamin khác có tác dụng làm trắng da cả từ bên ngoài và bên trong.
Các vitamin nhóm B gồm vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, B12 là nhóm vitamin có thể hòa tan trong nước, góp phần thúc đầy quá trình trao đổi chất của các tế bào. Mỗi loại vitamin trong nhóm B sẽ có tác dụng khác nhau, chính vì vậy, bài viết này sẽ đề cập đến những loại vitamin chính có lợi đối với làn da của bạn.
1. Vitamin B1 (Thiamin)
Thiamin hay vitamin B1 ( /ˈθaɪ.əmɪn/ THY-ə-min), được đặt tên “thio-vitamine” (“vitamin chứa lưu huỳnh”) là một loại vitamin B. Ban đầu nó được đặt tên là aneurin do các hiệu ứng thần kinh bất lợi nếu không có mặt trong chế độ ăn uống, sau đó nó được đặt tên mô tả chung là vitamin B1.
Dẫn xuất photphat của nó liên quan đến nhiều quá trình của tế bào. Dạng đặc trưng nhất là thiamin pyrophosphat (TPP), một loại coenzyme trong trao đổi chất của đường và axit amin. Trong men, TPP cũng cần thiết cho bước đầu của quá trình lên men rượu.
Vitamin B1 hay còn gọi là thiamine, thường tham gia vào việc chuyển hóa glucid, đảm bảo hệ thần kinh, tim mạch và tiêu hóa hoạt động bình thường, từ đó làm giảm các chứng viêm, ngăn ngừa mụn trứng cá.
Bên cạnh các sản phầm quen thuộc như dầu dừa hay dầu olive, vitamin B1 cũng là một trong số những “thần dược” được chị em ưa chuộng bởi tác dụng làm mờ thâm nám, dưỡng da trắng hồng.
2. Vitamin B2 (Riboflavin)
Vitamin B2 là một loại vitamin đứng thứ 2 trong nhóm B, còn có tên gọi khoa học là Riboflavin. Vitamin B2 có tác dụng cải thiện đáng kể chất lượng của các té bào da. Bên cạnh đó, vitamin B2 còn là thành phần quan trọng của các men oxydase; trực tiếp tham gia vào các phản ứng ôxy hóa hoàn nguyên và tác động đến việc hấp thu, sử dụng sắt trong cơ thể.
Riboflavin (vitamin B2) là một loại vitamin B. Nó là thành phần trung tâm của cofactor FAD và FMN và là thành phần cần thiết cho nhiều loại phản ứng enzym flavoprotein bao gồm cả việc hoạt hóa các vitamin khác. Trước đây nó có tên là vitamin G.
Vì vậy, bạn nên bổ sung vitamin B2 cho cơ thể thông qua các thực phẩm hàng ngày như gan động vật, thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, nấm, bánh mì, bơ và chuối.
3. Vitamin B3 (Niacin hay niaxin)
Vitamin B3 còn có tên là Niacin hay vitamin, giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi những tác hại từ tia nắng mặt trời và tham gia vào quá trình trao đổi chất béo, chất đạm và carbohydrate. Khi cơ thể thiếu Vitamin B3, bạn dễ gặp tình trạng viêm da tấy đỏ hoặc làn da trở nên khô ráp, kém đàn hồi.
Niacin hay niaxin (còn được gọi là vitamin B3, axit nicotinic hay vitamin PP) là một hợp chất hữu cơ có công thức C6H5NO2 và là một trong 40 đến 80 chất dinh dưỡng thiết yếu của con người, tùy thuộc vào định nghĩa được sử dụng.
Niacin là một trong năm vitamin mà nếu thiếu trong chế độ ăn uống của con người sẽ gây ra bệnh điển hình: bệnh thiếu niacin (pellagra), bệnh thiếu vitamin C (scurvy), bệnh thiếu thiamin (beriberi), bệnh thiếu vitamin D (bệnh còi xương), bệnh thiếu vitamin A (bệnh mù ban đêm và các triệu chứng khác).
Niacin đã được sử dụng trong hơn 50 năm để tăng mức độ HDL trong máu và đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ gây bệnh tim mạch trong một số thử nghiệm có kiểm soát trên người.
Niacin là chất rắn hòa tan trong nước, không màu, là dẫn xuất của pyridin, với nhóm carboxyl (COOH) ở vị trí số 3. Các dạng vitamin B3 khác là dạng amid, nicotinamid (“niacinamid”), trong đó nhóm carboxyl được thay bằng nhóm carboxamid (CONH2), cũng như các amid phức tạp hơn và các dạng este.
Cả axit nicotinic và nicotinamid đều được gọi chung là niacin hay vitamin B3, và bởi vì có hoạt tính sinh hóa tương tự nhau, axit nicotinic và nicotinamid thường được dùng thay thế nhau khi đề cập đến các hợp chất thuộc họ này.
Niacin không thể chuyển trực tiếp thành nicotinamid, nhưng cả hai hợp chất có thể được chuyển thành NAD và NADP in vivo. Mặc dù có hoạt tính vitamin như nhau nhưng nicotinamid lại không có tác dụng dược lý (tác động lên lipid) như niacin. Nicotinamid không làm giảm cholesterol hoặc gây bệnh flushing.
Nicotinamide có thể gây độc cho gan ở liều vượt quá 3 g/ngày đối với người lớn. Niacin là tiền chất của NAD+/NADH và NADP+/NADPH, là những chất đóng vại trò thiết yếu trong việc chuyển hóa trong tế bào sống. Niacin tham gia vào việc cải biến DNA và sản sinh các hormon steroid trong tuyến thượng thận.
Vitamin B3 có thể tìm thấy nhiều từ các thực phẩm tự nhiên như gan, cá ngừ, cá hồi, nấm, bánh mì, khoai tây…
4. Vitamin B5 (Axit Pantothenic)
Axit Pantothenic hay còn gọi là vitamin B5, được RJ Williams phát hiện vào năm 1933 và sau đó đã được tìm thấy ở dạng vitamin. Axit Pantothenic cần thiết cho sự hình thành coenzym-A và đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất và tổng hợp cacbohydrat, protein, và mỡ.
Về mặt lâm sàng, pantothenic acid là cần thiết cho sự tổng hợp của các tế bào máu đỏ, sự trao đổi chất steroid, neuron hoạt động, và kích thích sản xuất kháng thể. Nguồn thường gặp của axit pantothenic là trong pho mát, ngô, trứng, gan, thịt, lạc, đậu Hà Lan, đậu nành, men bia rượu, mầm lúa mì, thạch hoàng gia, sữa chua và lê tàu.
Bởi vì sự xuất hiện rộng của nó việc thiếu pantothenic acid là rất hiếm, trừ khi thiết kế đặc biệt cho mục đích điều tra sinh hóa. Axit này được phát hiện bởi Roger J. Williams vào năm 1933.
Tác dụng của vitamin B5 (pantothenic axit) đối với da đã được chứng minh. Vitamin B5 không chỉ duy trì sức khỏe làn da mà còn có tác dụng chống lại việc da lão hóa, tăng khả năng tái tạo các biểu mô và giúp phân giải lượng dầu thừa trên da.
Tuy nhiên, chúng ta ít khi bị thiếu loại vitamin này vì nó có trong hầu hết các loại thực phẩm hàng ngày. Vitamin B5 tồn tại trong tất cả các tế bào sống và có rất nhiều trong các nhóm thực phẩm như ngũ cốc, rau, củ, quả tươi, trứng, các loại đậu, sữa….
5. Vitamin B6 (pyridoxine)
Vitamin B6 (pyridoxine) được phát hiện vào năm 1930. Loại vitamin này được biết đến như một vị thuốc bổ giúp kiểm soát việc tiết bã nhờn của da. Khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ vitamin B6 thường sinh ra da dầu và tình trạng viêm da tiết bã (eczema). Ngoài ra, vitamin B6 giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn và tham gia vào việc cấu tạo các hợp chất cần thiết cho cơ thể.
Vitamin B6 là một loại vitamin hòa tan trong nước và là một phần của nhóm vitamin B. Pyridoxal phosphat (PLP) là dạng hoạt động và là tác nhân kép trong một số phản ứng chuyển hóa axit amin. PLP cũng cần thiết cho phản ứng lên men tạo glucose từ glycogen.
Là coenzim của những enzim xúc tác cho quá trình trao đổi amin của các acid amin, những enzim này được gọi là aminotransferase (GOT, GPT).
Là coenzim của những enzim xúc tác cho phản ứng loại carboxyl của những enzim xúc tác cho quá trình vận chuyển nhóm sulfua từ methionin đến serin để tạo cystein.
Tham gia vào chuyển hóa tryptophan.
Thiếu vitamin B6 có thể xảy ra hiện tượng: ăn mất ngon, dễ bị kích thích mạnh,rụng lông tóc và một số triệu chứng đặc biệt ngoài da và niêm mạc. Ở trẻ em thiếu vitamin B6 thường chậm lớn và có thể có những cơn co giật. Người dùng liều cao và kéo dài INH cũng dẫn đến hội chứng thiếu vitamin B6.
Chất chuyển hóa chủ yếu của vitamin B6 được bài tiết ra trong nước tiểu là acid 4-pyridoxic.
Tất cả các dạng trừ pyridoxic axit và pyritinol có thể được chuyển hóa lẫn nhau. Pyridoxamine hấp thụ được chuyển thành PMP từ pyridoxal kinase, là một loại chất mà sau đó được chuyển thành PLP từ pyridoxamine-phosphate transaminase hay pyridoxine 5’-phosphate oxidase đây cũng xúc tác sự chuyển biến từ PNP thành PLP.
Pyridoxine 5’-phosphate oxidase phụ thuộc vào flavin mononucleotit (FMN) là tác nhân kép được tạo ra từ riboflavin (vitamin B2), ví dụ trong quá trình sinh hóa này, khẩu phần vitamin B6 không thể dùng mà không có vitamin B2.
Bổ sung vitamin B6 bằng cách ăn thịt bò, thịt gà, gan, bột mì, sữa và các loại hạt.
6. Vitamin B7 (Biotin còn được gọi là vitamin H)
Biotin còn được gọi là vitamin H, vitamin rất quan trọng cho tóc và móng. Biotin có tác dụng giúp tóc mọc nhanh, khỏe và dày hơn. Biotin còn có vai trò ổn định đường huyết. Thiếu biotin gây rụng tóc, móng giòn, dễ gãy.
Biotin là một vitamin cần thiết cho sự hoạt động của các enzym chuyển vận các đơn vị carboxyl và gắn carbon dioxyd và cần cho nhiều chức năng chuyển hóa, bao gồm tân tạo glucose, tạo lipid, sinh tổng hợp acid béo, chuyển hóa propionat và dị hóa acid amin có mạch nhánh. Chế độ ăn uống cung cấp mỗi ngày 150 – 300 microgam biotin được coi là đủ. Một phần biotin do vi khuẩn chí ở ruột tổng hợp cũng được hấp thu.
Nguồn cung cấp từ thức ăn: Thịt, lòng đỏ trứng, sữa, cá và loại quả hạt có nhiều botin. Biotin bền vững khi đun nóng, nhưng kém bền trong môi trường kiềm. Thiếu hụt biotin ở người có thể xảy ra ở những tình trạng sau: Thiếu dinh dưỡng protein năng lượng; ăn dài ngày lòng trắng trứng sống (có chứa avidin là một glycoprotein, liên kết mạnh với biotin, do đó ngăn cản sự hấp thu chất này); nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa mà không bổ sung biotin ở những người bệnh kém hấp thu; ở người có khiếm khuyết bẩm sinh về các enzym phụ thuộc biotin.
Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu hụt biotin bao gồm viêm da bong, viêm lưỡi teo, tăng cảm, đau cơ, mệt nhọc, chán ăn, thiếu máu nhẹ và thay đổi điện tâm đồ và rụng tóc. Tuy nhiên, các triệu chứng này đều đáp ứng với biotin liều thấp.
7. Vitamin B9 (Axit folic)
Vitamin B9 (axit folic) chứa nguồn dinh dưỡng góp phần quan trọng trong sự hình thành của các tế bào máu, não và da. Bổ sung vitamin B9 là thói quen tốt giúp chăm sóc và nuôi dưỡng làn da bạn trở nên săn chắc, mịn màng và làm mờ đi những dấu chân của kẻ thù khó ưa mang tên “mụn trứng cá”. Thiếu hụt axit folic là nguyên nhân gây các bệnh về da.
Axit folic (hay Vitamin M và Folacin), và Folat (dạng anion) là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9, cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể người để phục vụ các quá trình tạo mới tế bào. Nhu cầu về chất này tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Chất này có mặt tự nhiên trong thức ăn và cũng có thể thu từ thuốc uống bổ trợ.
Axit folic có vai trò sinh học trong việc tạo ra tế bào mới và duy trì chúng. Nó đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phân chia và lớn lên nhanh của tế bào như ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Chất này cần thiết trong việc nhân đôi ADN và giúp tránh đột biến ADN vốn là một yếu tố gây ung thư.
Chính vì có tác dụng giúp tái tạo tế bào như vậy mà Axit folic có thể được sử dụng để phục hồi phục sinh lực cho các cơ quan nội tạng sau mỗi sự cố thiếu máu hay tổn thương nội mạng tế bào.
Điển hình là việc Acid folic đã được đưa vào trong các sản phẩm dược phẩm và thực phẩm chức năng dành cho người đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Khi bệnh nhân gặp tình trang đau thắt ngực có nghĩa là mạch máu của họ đã có xảy ra một số sự tắc nghẽn nhỏ do đó dẫn đến thiếu máu cơ tim một phần nhỏ.
Và nếu cứ để tình trang này tiếp diễn thì khả năng xảy ra cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử là rất cao. Vì vậy việc bổ sung Axit folic cho những đối tượng này là điều cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên số lượng cần bổ sung là khá ít vì nó còn liên quan tới vấn đề sau đây.
Việc thiếu axit folic làm chậm quá trình tổng hợp ADN và phân chia tế bào, ảnh hưởng đến các khu vực có sự tái tạo tế bào nhanh như ở tủy xương. Sự thiếu hụt axit folic làm chậm sự tổng hợp ADN, trong khi đó là không ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp ARN và protein, khiến tạo ra nhiều các tế bào hồng cầu lớn trong máu, gọi là nguyên hồng cầu to, gây ra sự thiếu hồng cầu bình thường và chứng bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu
Các thực phẩm giàu axit folic thường là các loại rau củ như cà rốt, bắp cải sống, sữa bò, đậu Hà Lan hơn là trong thịt, trứng và gan.
8. Vitamin B12 (cobalamin)
Nếu muốn sở hữu làn da trông trẻ hơn so với tuổi thật, bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống một lượng vitamin B12. Vitamin B12 (cobalamin) rất cần thiết cho sự hình thành của tế bào hồng cầu trong hệ thống thần kinh và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Sử dụng đúng liều lượng vitamin B12 còn góp phần giúp bạn ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn trên da.
II. Tác dụng của Vitamin B1 đối với sức khỏe và làm đẹp da mặt
Bên cạnh vitamin E, dầu dừa hay dầu olive, vitamin B1 ở dạng viên cũng là một trong số những “thần dược” làm đẹp da, dưỡng tóc mượt mà được ưa chuộng bởi nhiều phụ nữ. Các cô gái không chỉ dùng vitamin B1 làm mặt nạ trị mụn, dưỡng trắng da mà còn thường xuyên sử dụng B1 phục hồi mái tóc suôn dài, dày đẹp.
1. Tác dụng của Vitamin B1 đối với sức khỏe
Vitamin B1 là một loại vitamin thứ nhất thuộc nhóm B, nên được gọi là vitamin B1, hòa tan được trong nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường và chuyển hóa chất béo.
Vitamin B1 là loại vitamin nhóm đầu tiên được Funk phát hiện vào năm 1910, tồn tại dưới dạng tinh thể màu trắng, rất nhạy cảm với nhiệt độ nên bị phân hủy phần lớn khi nấu chín, ngược lại không thay đổi hàm lượng khi trữ đông lạnh và bị phân hủy ở pH > 8.
Chức năng quan trọng nhất của vitmain B1 nằm ở hệ thống thần kinh, trước nguy cơ bị tổn thương và thoái hóa; hỗ trợ các bộ phận trong cơ thể và hệ thần kinh ngắt các thông báo truyền gửi cho nhau. Ví dụ, như khi cơ chân bị chuột rút chẳng hạn.
Vitamin B1 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì các hoạt động tương tác của tế bào trong cơ thể, nhất là việc sản xuất năng lượng. Trong đó các tế bào của cơ thể đã dùng ôxy để chuyển hóa carbohydrate và các loại đường thành năng lượng.
Vitamin B1 rất cần thiết để bẻ gãy các hợp chất carbonhydrate thành glucose. Cả não và hệ thần kinh đều lệ thuộc vào glucose để có năng lượng hoạt động. Qúa trình chuyển giao thông tin trong hệ thần kinh cũng phụ thuộc rất nhiều vào vitamin B1. Ngoài ra, vitamin B1 cũng có vai trò quan trọng trong cấu trúc gen.
Vitamin B1 còn có tác dụng giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Cơ thể nếu không có hoặc thiếu hụt vitamin B1 sẽ dẫn đến nguy cơ bị bệnh beriberi (bệnh tê phù). Kèm theo các dấu hiệu như giảm tính ngon miệng, mệt mỏi, ngại vận động, khó tiêu hóa, táo bón, lo sợ, đặc biệt các cơ bắp xuất hiện hiện tượng như có kim châm, đầu ngón chân ngón tay bị tê cứng, mất kiểm soát chuyển động của cơ bắp, giảm cân, nhịp tim bất thường, và teo cơ.
Chính vì vậy mà hiện nay Vitamin B1 được bổ sung để tăng cường giúp xương chắc khỏe. Vitamin B1 có nhiều trong nhóm thực phẩm: bánh mì, ngũ cốc, mì ống, thịt, đặc biệt là nội tạng (gan, thận), đậu, và các loại hạt.
2. Tác dụng của Vitamin B1 đối với làn da
Vitamin B1 có chứa các đặc tính chống lão hóa, nó có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa cực mạnh, giúp bảo vệ cơ thể trước các dấu hiệu “tuổi già” như nếp nhăn, da nhăn nheo hay các biểu hiện lão hóa khác thường tác động tới các hệ cơ quan trong cơ thể.
Vitamin giúp cơ thể “đứng vững” hơn trước tác động của các yếu tố gây căng thẳng. Nếu thiếu năng lượng, tâm trạng của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Lúc này, bổ sung vitamin B1 cho cơ thể sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần, ngăn cản sự xâm lấn của căng thẳng và lo âu. Theo nhiều nghiên cứu, tâm trạng vui vẻ, thoải mái và kiểm soát stress tốt sẽ giúp da khỏe mạnh và sáng hơn.
Một lưu ý quan trọng đó là như đã đề cập ở trên, vitamin B1 hòa tan được trong nước và sẽ bị đẩy ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Do vậy, để phát huy tác dụng của vitamin B1 đối với da, chị em cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng nhằm tái cung cấp đủ lượng vitamin B1 cần thiết cho cơ thể.
Mời bạn tìm hiểu thêm về:
- Tác dụng của vitamin C với làn da và sức khỏe cơ thể như thế nào?
- Tác dụng của vitamin D đối với sức khỏe, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
III. Tác dụng của Vitamin B2 đối với sức khỏe và làm đẹp da mặt
Có rất nhiều người nghe nói đến vitamin, trong đó có vitamin B2 nhưng chưa hiểu hết tác dụng của loại vitamin này. Vitamin B2 (còn có tên là riboflavin) là một vitamin tan trong nước dùng để phòng và điều trị thiếu vitamin B2.
1. Tác dụng của Vitamin B2 đối với sức khỏe
Khi vào cơ thể, vitamin B2 được biến đổi thành các dạng co-enzym hoạt động cần cho sự hô hấp của mô và sự hoạt hóa vitamin B6 (vì khi thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm da tăng bã nhờn, khô nứt môi…), liên quan đến sự toàn vẹn của hồng cầu…
Khi thiếu vitamin B2 sẽ gây nên hiện tượng sần rám da, chốc mép, khô nứt môi, viêm lưỡi và viêm miệng. Có thể có những triệu chứng về mắt như ngứa và rát bỏng, sợ ánh sáng và rối loạn phân bố mạch ở giác mạc. Một số triệu chứng này thực ra là biểu hiện của thiếu các vitamin khác như: vitamin B6, vitamin PP do các vitamin này không thực hiện được đúng chức năng của chúng khi thiếu vitamin B2.
Thiếu vitamin B2 có thể xảy ra khi chế độ dinh dưỡng không đủ, hoặc bị kém hấp thu, nhưng không xảy ra ở những người khỏe, ăn uống hợp lý. Thiếu vitamin B2 thường gặp nhất ở người nghiện rượu, người bệnh gan, ung thư, stress, nhiễm khuẩn, ốm lâu ngày, sốt, tiêu chảy, bỏng, chấn thương nặng, cắt bỏ dạ dày, trẻ em có lượng bilirubin huyết cao và người sử dụng một số thuốc gây thiếu hụt vitamin B2.
Nhu cầu về vitamin B2 liên quan đến năng lượng được đưa vào cơ thể, nhưng nó liên quan chặt chẽ hơn với yêu cầu chuyển hóa khi nghỉ ngơi. Bình thường khoảng 0,6 mg/1000kcal.
Như vậy trung bình thì cần 1,6mg vitamin B2 trong một ngày đối với nam và 1,2 mg trong một ngày đối với nữ. Với người cao tuổi thì không ít hơn 1,2 mg trong một ngày, thậm chí khi cả lượng calo đưa vào ít hơn 2000 kcal. Sự thiếu hụt vitamin B2 thường xảy ra khi thiếu những vitamin nhóm B khác.
Vitamin B2 còn là một thành phần trong dịch truyền nuôi dưỡng toàn phần. Khi trộn pha trong túi đựng mềm 1 hoặc 3 lít dịch truyền và dung dịch chảy qua hệ dây truyền dịch thì lượng vitamin B2 có thể mất 2%. Do đó cần cho thêm vào dung dịch truyền một lượng vitamin B2 dể bù vào số bị mất này.
Không thấy có tác dụng không mong muốn khi sử dụng vitamin B2. Tuy nhiên nếu dùng liều cao sẽ có hiện tượng nước tiểu chuyển màu vàng nhạt, gây sai lệch đối với một số xét nghiệm nước tiểu trong phòng thí nghiệm. Bởi vậy, khi cần làm các xét nghiệm liên quan đến nước tiểu không được dùng vitamin B2.
2. Tác dụng của Vitamin B2 đối với làn da
Theo nghiên cứu, vitamin B2 có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện chất lượng của các tế bào da. Chúng sẽ được hấp thụ tốt hơn khi kết hợp với vitamin A. Sự thiếu hụt vitamin B2 là nguy cơ mắc các bệnh về da như nứt nẻ môi, đỏ cánh mũi…
Vitamin B2 có nhiều trong gan động vật, thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa hay các loại hạt, nấm, bánh mỳ, bơ và chuối. Do đó, bạn đừng quên bổ sung những thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày nếu muốn sở hữu làn da mịn màng nhé!
IV. Tác dụng của Vitamin B3 (niacin) với sức khỏe và làn da ra sao
Niacin là dưỡng chất rất cần cho cơ thể để hình thành các loại enzyme quan trọng, chuyển hóa năng lượng từ nguồn thức ăn đầu vào. Nguồn vitamin B3 có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, sản phẩm thịt, bánh mì, ngũ cốc tăng cường, khoai, sữa, cá,…
Và liều dùng khuyến cáo 6,6 mg/1.000kcal cho mọi lứa tuổi, riêng phụ nữ cho con bú nên bổ sung thêm 2,3 mg/ngày.
1. Tác dụng của Vitamin B3 đối với sức khỏe
Vitamin B3 được xem như một vitamin mà con người có thể tổng hợp từ tryptophan. Đó là vitamin ổn định nhất, tan trong nước và alcohol. Nó bền vững với ôxy hóa, môi trường kiềm cũng như nhiệt độ và ánh sáng. Nó có trong tất cả các tổ chức, rất nhiều ở gan.
Vitamin B3 tham gia vào 150 quy trình khác nhau trong cơ thể con người, đặc biệt là quy trình tạo năng lượng. Vitamin B3 rất cần thiết cho quá trình sản xuất các hooc môn, như là các hoocmon sinh dục nam và nữ, và ngăn chặn những biến dạng của ADN.
Từ đó, phòng ngừa nguy cơ ung thư. Loại vitamin này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại những độc tố và hóa chất gây hại.
Trong số các vitamin B, vitamin B3 là loại vitamin độc đáo vì tự cơ thể con người có thể sản sinh ra B3 hoặc chế độ ăn chay vẫn có thể cung cấp vitamin B3. Khi sản xuất vitamin B3, bạn cần B2, B6, sắt, và tryp-tophan – là một loại axit amin thiết yếu. Khi mang thai, sự chuyển hóa của axit amin thành vitamin B3 sẽ hiệu quả hơn.
Khi cơ thể thiếu Vitamin B3, sẽ có các triệu chứng sau:
Viêm da: nhất là những phần tiếp xúc với không khí và ánh sáng bị đỏ sẫm, đối xứng khiến cho da bị thâm, nhiễm phù, bóc vảy, khô và thô ráp.
Rối loạn tiêu hóa: viêm niêm mạc miệng, viêm niêm mạc đường tiêu hóa cùng với viêm dạ dày và tiêu chảy hoặc chảy máu trực tràng.
Rối loạn tâm thần: mê sảng, ảo giác, lú lẫn, trầm cảm. Ở mức độ nhẹ hơn thì sẽ bị lo lắng, trầm uất, rối loạn giấc ngủ và cảm giác.
Nếu thừa Vitamin B3?
Việc hấp thụ vitamin B3 từ thức ăn không gây ra bất lợi nào cho sức khỏe nhưng quá liều từ các sản phẩm bổ sung có thể gây ra một số tổn hại cho gan.
Dùng sản phẩm bổ sung vitamin B3 với hàm lượng cao hơn lượng khuyến cáo hàng ngày cần phải được giám sát y khoa chặt chẽ.
2. Tác dụng của Vitamin B3 đối với làn da
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B3 có thể gây bệnh pellagra, làm xạm đen hoặc tróc vảy da khi phơi ra ngoài nắng. Nếu dùng liều cao từ 3-6g/ngày có thể gây tổn thương gan, gây cháy nắng mặt và da.
Thực phẩm chứa vitamin B3 cao: Các loại cá (cá ngừ vằn, cá thu và cá ngừ vây xanh, cá kiếm, cá hồi nuôi và cá bơn), gà quay , thịt heo, gan cừu, gan bò, gan bê, gan gà, gan heo, đậu phụng, thịt bò, nấm( trắng, bào ngư, nâu, mống gà), đậu xanh, hạt hướng dương, hạt Chia, hạt mè, hạt bí, quả bơ.
Tác dụng của vitamin B3 đối với làn da: giúp khôi phục lại các tế bào da, sửa chữa các DNA bị hỏng và giảm tác dụng của tia tử ngoại bên ngoài từ ánh nắng mặt trời.
Tác dụng của vitamin B3 là giúp bảo vệ làn da khỏi những tác động xấu của ánh nắng mặt trời. Nó tham gia vào quá trình trao đổi chất béo, chất đạm và carbohydrate. Nếu thiếu loại vitamin này, làn da của bạn sẽ trở nên khô ráp, kém đàn hồi, thậm chí là viêm da tấy đỏ.
Có nhận định: “Vitamin B3 cũng giống như là nhà máy dầu dinh dưỡng, nó cung cấp chống lão hóa, tái tạo làn da, giảm nếp nhăn và làm đồng đều sắc tố,” Bác Sĩ Herrmann nói. Bên cạnh đó, nó còn giúp giảm các vết thâm trên mặt mà không gây ửng đỏ cho da.
Mời bạn tìm hiểu thêm về:
- Tác dụng của vitamin e, vitamin e 400 với da mặt phụ nữ, làm đẹp
- Tác dụng của vitamin A đối với mắt, làn da và sức khỏe
V. Tác dụng của Vitamin B5 (Axit Pantothenic)
Vitamin B5 có rất nhiều trong tự nhiên nhưng dễ mất đi trong quá trình chế biến. Ít người biết được đây là một trong những loại vitamin thiết yếu đối với con người. Vitamin B5 còn được gọi là acid pantothenic, pantothenate; đây là một vitamin tan trong nước, có rất nhiều trong tự nhiên, nhưng cũng rất dễ mất đi trong quá trình chế biến.
Ngay tên gọi của nó – vitamin B5 hay ‘pantothenic’ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “panto” cũng đã có nghĩa là có ở khắp mọi nơi. Vì thế cơ thể con người hiếm khi bị thiếu vitamin B5, trừ những trường hợp bị suy dinh dưỡng nặng, người kém ăn, dậy thì….
Vitamin B5 được tìm thấy trong tất cả các tế bào sống, nó có rất nhiều trong các nhóm thực phẩm như thịt, rau quả tươi, trứng, ngũ cốc, các loại đậu, sữa…. Vitamin này thường rất kén chọn môi trường, nó dễ dàng bị mất đi ở môi trường đông lạnh, hoặc các thực phẩm chế biến, đóng hộp, lượng vitamin B5 cũng mất đi đáng kể.
Thiếu hụt vitamin B5 có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, mất ngủ…. Người ta đã nghiên cứu và kết luận có rất nhiều lợi ích của axid pantothenic trong sự trao đổi chất của con người, nó có khả năng giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh trong não, chiết xuất protein và chất béo cho cơ thể…
Những lợi ích quan trọng nhất của vitamin B5 có thể kể đến là:
Làm óng tóc khỏe da
Để có một làn da láng mượt, khỏe mạnh và một mái tóc óng ả, không bị gãy rụng, vitamin B5 chính là “bí quyết”. Vitamin B5 có khả năng làm mầm tóc phân chia, nhanh chóng tái tạo tóc mới, ngoài ra nó còn có thể làm tăng độ ẩm cho tóc, giúp tóc mềm mại, và ngăn rụng hữu hiệu.
Đối với làn da, vitamin B5 giúp phân giải lượng dầu thừa trên da, nguyên nhân chính hình thành các loại mụn trứng cá. Một nghiên cứu tại Hong Kong cho biết, dùng viatmin B5 liều cao không chỉ giảm và ngăn ngừa mụn, nó còn có khả năng làm giảm kích thước lỗ chân lông.
Tác dụng của vitamin B5 đối với da và tóc đã được chứng minh, nó không chỉ duy trì sức khỏe làn da, mái tóc bên ngoài, mà có tác dụng chống lại lão hóa da, tăng khả năng tái tạo các biểu mô trên da và giữ sắc tố tóc lâu bền.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Vitamin B5 giúp và duy trì hoạt động bình thường của cơ tim. Các dẫn xuất của vitamin B5 là panthenol, phosphopantethine giúp cải thiện nồng độ lipid trong máu và gan. Nó làm giảm triglyceride , giúp hạ cholesterol toàn phần, vì thế giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Các dẫn xuất của vitamin B5 điều hòa nồng độ cholesterol , giúp cho việc kiểm soát huyết áp, do đó tránh nguy cơ bị tăng huyết áp.
Tăng cường mức độ hemoglobin
Nếu nguồn năng lượng đưa vào cơ thể không có đủ chất sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin, một chất trong các tế bào máu đỏ làm cho con người mắc bệnh thiếu máu.
Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt bao gồm: mệt mỏi, da nhợt nhạt, khó thở, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, lạnh tay và chân, dễ bị nhiễm trùng, móng tay giòn, nhịp tim không đều (loạn nhịp)….
Vitamin B5 chính là loại vitamin có khả năng tạo ra các hormon và các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, góp phần tăng nồng độ hemoglobin trong máu, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu sắt hoặc thiếu máu. Vitamin B5 còn hỗ trợ gan trong quá trình chuyển hóa các chất độc hại và giúp cho phân chia tế bào và tái tạo DNA.
Giảm căng thẳng (stress), lo âu
Vitamin B5 hỗ trợ hệ thống dẫn truyền thần kinh góp phần làm giảm căng thẳng và mệt mỏi. Sở dĩ pantothenic acid có tác dụng đối với hệ thần kinh là do nó tạo ra dẫn truyền thần kinh cần thiết cho sự phát triển của hệ thống thần kinh trung ương và sự vận hành của tuyến thượng thận, ngoài ra nó còn điều tiết hormone steroid và acetylcholine giúp con người cân bằng và giảm lo lắng và stress.
Cải thiện khả năng miễn dịch
Giống như kẽm, vitamin B5 cũng rất hiệu quả trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nó cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa, tăng sức đề kháng với các loại bệnh nhiễm trùng như bệnh suyễn, bệnh viêm da dị ứng, bệnh xương khớp….
Hoạt chất coenzym A chuyển hóa từ vitamin B5 còn có tác dụng thải độc, nó đào thải các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, các loại thuốc có hại ra khỏi cơ thể.
Cần thiết cho quá trình tăng trưởng
Vitamin B5 đóng vai trò như một chất tổng hợp cần thiết cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể góp phần cho cơ thể phát triển lành mạnh. Vì vitamin B5 cần thiết cho sự hình thành của chất béo, protein, carbohydrate, axit amin và kích thích nội tiết tố tuyến thượng thận.
Bất kỳ thành phần nào trong cơ thể giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh và tạo năng lượng cho cơ thể con người hoạt động không thể thiếu được loại vitamin nhỏ bé này.
Cải thiện sức chịu đựng, tăng độ dẻo dai
Vitamin B5 giúp tăng cường năng lượng và duy trì khả năng chịu đựng của cơ thể. Nó không chỉ làm giảm mệt mỏi mà còn tăng cường sức dẻo dai của con người. Các vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên, những người thường xuyên phải chịu các hoạt động thể lực hoặc trí óc căng thẳng cần bổ sung loại vitamin này.
Đó là do vitamin B5 chuyển hóa carbohydrate và chất béo thành năng lượng, đây là nguồn nguyên liệu chính cho cơ thể và bộ não hoạt động kéo dài nên nó được cho là một chất tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B5 có thể kể đến như trứng, cá, quả hạnh, sữa, pho mát, lúa mỳ, các loại hạt, đậu nành, các loại đậu, cá hồi, bắp cải, bông cải xanh, nấm, men bia, mật mía….
Mặc dù đây là loại vitamin rất dễ tồn tại ở ngoài môi trường nhưng nó cũng dễ mất đi trong quá trình nấu nướng và tuyệt đối không có ở những thực phẩm chế biến hay đông lạnh.
Hãy bổ sung vitamin B5 trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn với các nhóm thực phẩm nêu trên bởi đây là một trong những loại vitamin hỗ trợ hoạt động lành mạnh nhất cho cơ thể con người và đảm bảo con người có đủ thể lực và độ dẻo dai theo đuổi các hoạt động hàng ngày.
Đối với trẻ em, nó có tác dụng phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, phòng chống bệnh tật.
VI. Tác dụng của Vitamin B6 (pyridoxine)
1. Tác dụng của vitamin B6 đối với sức khỏe
Vitamin B6 hoạt động như một coenzym giúp chuyển hóa tryptophan thành niacin. Nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất đạm, chất béo, carbohydrate. Vitamin B6 tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin và sự bài tiết của tuyến thượng thận.
Vitamin này còn cần thiết cho phản ứng lên men tạo glucose từ glycogen, góp phần duy trì lượng đường huyết trong máu ổn định; giúp bảo vệ tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch và duy trì chức năng não khỏe mạnh.
Vitamin B6 là một loại vitamin tan trong nước có trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể cần vitamin B6 cho hơn 100 phản ứng enzym tham gia vào quá trình trao đổi chất. Vitamin B6 cũng tham gia vào sự phát triển não bộ cũng như chức năng miễn dịch của thai nhi trong suốt giai đoạn thai kỳ và sơ sinh.
Vitamin B6 được chỉ định dùng trong những bệnh xơ vữa động mạch, viêm dây thần kinh ngoại vi, suy nhược cơ thể, viêm dây thần kinh thị giác do rượu, viêm thần kinh thính giác do thuốc chống lao…
Bệnh tim: Một số nhà khoa học qua nghiên cứu cho biết các loại vitamin thuộc nhóm vitamin B (chẳng hạn như axit folic, vitamin B12 và vitamin B6) có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim bằng cách giảm mức độ axit amin homocysteine trong máu.
Chức năng nhận thức: Những người cao tuổi có nồng độ vitamin B6 trong máu cao hơn có trí nhớ tốt hơn. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B6 (hoặc kết hợp với vitamin B12 và / hoặc acid folic) không thể cải thiện chức năng nhận thức hoặc khôi phục trí nhớ.
Ung thư: Những người thiếu vitamin B6 có nguy cơ mắc một số loại ung thư cao hơn so với những người bình thường, như ung thư đại trực tràng. Nhưng các nghiên cứu cho đến nay không chỉ ra rằng bổ sung vitamin B6 có thể giúp ngăn ngừa ung thư hoặc giảm nguy cơ tử vong do ung thư.
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về tiềm năng của việc dùng vitamin B6 cho hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Nhưng một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin B6 có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm ủ rũ, cáu gắt, hay quên, đầy hơi và lo lắng.
Buồn nôn và nôn trong thai kỳ: Ít nhất một nửa số phụ nữ bị thường buồn nôn và ói mửa trong những tháng đầu tiên mang thai. Dựa trên các kết quả của một số nghiên cứu, Quốc hội Mỹ sản phụ khoa (ACOG) khuyến cáo uống bổ sung vitamin B6 dưới sự giám sát của bác sĩ nếu buồn nôn và ói trong thai kỳ.
Điều trị hội chứng ống cổ tay: Vitamin B6 giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng và cải thiện kết quả đo điện cơ ở những người tay bị yếu và đau gây ra do chèn ép thần kinh giữa ở cổ tay.
Ngoài ra, nhiều công dụng cho sức khỏe mà vitamin B6 mang đến còn đang trong quá trình nghiên cứu. Vì những lợi ích về sức khỏe mà hiện nay vitamin B6 được sử dụng rộng rãi trên thế giới dưới các dạng thực phẩm chức năng để bổ sung cho cơ thể.
Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra nhiều triệu chứng
Mệt mỏi, mất ngủ, khó chịu, rối loạn tâm thần, môi nứt nẻ, da khô, rụng tóc. Những người nghiện rượu, bị xơ gan, suy tim, hội chứng urê huyết thường dễ gặp nguy cơ thiếu hụt vitamin B6.
Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin B6 quá liều cũng gây ra độc tính. Ở người lớn, việc bổ sung vitamin B6 quá 100mg mỗi ngày sẽ dẫn đến nguy cơ tổn hại thần kinh. Liều cao vitamin B6 còn có thể gây tê bàn chân, bàn tay hoặc thậm chí gây mất cảm giác.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên tránh dùng liều cao vì có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi hay trẻ sơ sinh.
Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm, dễ tan trong nước, mất tác dụng khi nấu thức ăn ở nhiệt độ cao. Chúng ta nên bổ sung vitamin B6 từ các loại thực phẩm.
Những thực phẩm giàu vitamin B6 bao gồm: chuối, đậu đỏ, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, thịt bò nạc, pho mát, súp lơ, cà rốt, cải bắp, rau bina, đậu nành, đậu phộng, trứng…
Để vitamin B6 không bị mất đi, sản phẩm hoa quả, thịt tươi sống cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh; sữa và ngũ cốc nên để nơi thoáng mát, khô ráo, không ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
2. Tác dụng của vitamin B6 đối với làn da
Cùng Kiến Thức Bệnh cập nhật công dụng của vitamin B6:
Vitamin B6 có tác dụng điều trị sự tiết bã nhờn của da một cách hiệu quả. Nếu thiếu vitamin B6, làn da của bạn thường bị dầu và viêm da tiết bã. Ngoài ra, loại vitamin này cũng giúp bạn tăng cường sinh lực, tham gia vào việc cấu tạo các hợp chất cần thiết cho cơ thể.
Vitamin B6 (pyridoxine): Vitamin B6 rất cần cho quá trình chuyển hóa protein ở trong cơ thể và là hợp chất quan trọng cho việc tạo haemoglobin (huyết sắc tố, chất tạo nên màu đỏ của tế bào hồng cầu) và máu cho cơ thể.
Nguồn vitamin B6 có nhiều trong thực phẩm truyền thống như ngũ cốc, hoa quả, rau xanh dạng lá và gan động vật. Liều dùng được khuyến cáo tùy thuộc vào lượng protein tiêu thụ của mỗi người, trung bình từ 15mg trên mỗi gam protein.
Nếu lạm dụng quá, dùng trên 50 mg/ngày có thể gây ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh. Tại Mỹ người ta khuyến cáo người tiêu dùng không được dùng quá 10mg/ngày, trừ khi có đơn của bác sĩ.
Thực phẩm có lượng vitamin B6 cao (nhiều Vitamin B6) như hạt hướng dương, các loại hạt khác(hạt vừng, hạt lanh, hạt bí, hạt dẻ cười, hạt phỉ, quả óc chó, đậu phụng, quả Mác Ca, hạt điều, chuối, bơ, rau bó xôi,…
Tác dụng Vitamin B6 đối với da: Điều chỉnh sự tiết bã nhờn của da. Bị thiếu hụt vitamin này da thường bị dầu và viêm da tiết bã (eczema).
VII. Tác dụng của Vitamin B7 (Biotin còn được gọi là vitamin H)
Vitamin B7 (Biotin) giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, giữ gìn da tóc khỏe mạnh, ngoài ra còn giúp giảm cân, duy trì lượng đường trong máu, làm giảm các vấn đề về tim mạch, bệnh Parkinson và giảm viêm nhiễm candida âm đạo.
Vitamin B7 còn được gọi là Biotin. Nó có trong các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, cá, sữa, gan, thận và trong các loại gạo, yến mạch, đậu nành, các loại hạt, khoai tây, chuối, bông cải xanh, rau bina…
Thiếu vitamin B7 có thể dẫn tới một số rối loạn sức khỏe, như mệt mỏi, trầm cảm, đau cơ bắp, rụng tóc, thiếu máu. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị viêm da, da đầu có gàu, ăn không ngon miệng. Nghiêm trọng nhất là rối loạn thần kinh và rối loạn tăng trưởng ở trẻ sơ sinh.
Các tác dụng của vitamin B7 có thể kể đến như:
Tăng cường chuyển hóa, trao đổi chất: Vitamin B7 được coi là chất xúc tác cho một số phản ứng trao đổi chất có các thành phần như chất béo, protein và carbohydrate. Các quá trình này rất quan trọng đối với cơ thể, giúp con người hoạt động bình thường, ổn định.
Da và tóc đẹp: Vitamin B7 là một thành phần thiết yếu để da và tóc luôn đẹp. Nó đem lại sức sống cho da, loại bỏ các tác nhân xấu làm ảnh hưởng tới sắc tố da. Ngoài ra nó còn giúp móng tay không bị giòn và gãy. Những người da đầu khô, bị gàu, rụng tóc… có thể do thiếu hụt vitamin B7 trong chế độ ăn hàng ngày gây nên.
Giảm cân: Những người mắc bệnh béo phì được bác sỹ khuyên nên ăn những thực phẩm giàu vitamin B7 bởi nó rất hữu ích trong việc giảm chất béo dư thừa và giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
Cải thiện các vấn đề về tim: Vitamin B7 đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của tim bằng cách giảm mức độ cholesterol trong cơ thể, nguyên nhân chính của tình trạng xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.
Giúp cơ thể tổng hợp các thành phần: Vitamin B7 đóng vai trò không thể thay thế trong việc duy trì sức khỏe tối ưu cho con người. Ví dụ, vitamin B7 giúp quá trình tổng hợp ra acid béo và acid amin trong cơ thể, xử lý glucose để tạo ra năng lượng thích hợp…
Các lợi ích khác: Vitamin B7 giúp các bệnh nhân đái tháo đường điều tiết insulin trong máu và duy trì mức đường huyết ổn định. Ngoài ra, nó còn có ích trong điều trị một số bệnh như rụng tóc, bệnh Parkinson, hội chứng Rett, candida âm đạo, bệnh thần kinh ngoại biên…
Mời bạn tìm hiểu thêm về:
- Vitamin 3b (b1 b6 b12) có tác dụng gì, uống lúc nào và liều dùng
- Vitamin k là gì, có tác dụng gì, vitamin k có trong thực phẩm nào
VIII. Tác dụng của Vitamin B9 (Axit folic)
Vitamin B9 có vai trò rất quan trọng bởi nó tham gia vào quá trình hình thành của các tế bào máu, não và da. Các chuyên gia khẳng định thiếu hụt vitamin B9 là nguyên nhân gây nên các bệnh không mong muốn về da.
Ăn nhiều cà rốt, bắp cải sống, sữa bò, đậu Hà Lan là cách bổ sung vitamin B9 một cách hiệu quả, giúp làn da của bạn mịn màng, tươi trẻ dài lâu.
Vitamin B9 còn được gọi là acid folic có tác dụng phòng chống các rối loạn tim, đột quỵ, ung thư, dị tật bẩm sinh trong thời kỳ mang thai. Vitamin B9 cũng giúp tăng cường cơ bắp và ổn định các rối loạn tinh thần, cảm xúc.
Khi cơ thể thiếu Vitamin B9 có các triệu chứng bao gồm: Giảm trí nhớ, bị thiếu máu, suy nhược, da nứt… cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tim đập nhanh, dị tật bào thai, bệnh loãng xương, ung thư ruột và giảm bạch cầu, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.
Các tác dụng của vitamin B9 có thể kể đến như:
Ổn định tim mạch: Vitamin B9 giúp loại bỏ homocysteine – đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh về tim mạch. Nó điều khiến mức độ lắng đọng cholesterol trong máu, giúp hệ thống tim mạch hoạt động bình thường.
Homocysteine không những gây ra đau tim mà còn gây tổn thương não bộ và dẫn đến đột quỵ. Hơn nữa, tình trạng yếu xương và gãy xương là do nồng độ của homocysteine quá cao. Bổ sung đủ vitamin B9 để giúp giảm nồng độ của Homocysteine.
Phòng ung thư: Vitamin B9 giúp loại trừ nguy cơ ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư ruột kết và ung thư phổi.
Hạn chế dị tật bào thai: Vitamin B9 hạn chế các khuyết tật của thai nhi. Thiếu Vitamin B9 có thể gây ra các khuyết tật về ống thần kinh. Bởi vậy, để thai nhi phát triển toàn diện, các bà bầu cần cung cấp đầy đủ Vitamin B9 (acid folic) trước khi có thai và trong suốt thai kỳ.
Tạo cơ bắp: Vitamin B9 được coi là một thành phần xây dựng cơ bắp, nó giúp tăng trưởng và duy trì các mô cơ.
Tái tạo tế bào: Vitamin B9 giúp tái tạo và sửa chữa tế bào da, thay thế các tế bào cũ bằng các tế bào mới. Các tế bào được tìm thấy trong màng ruột non cũng được tạo thành từ Vitamin B9.
Ổn định tinh thần và cảm xúc: Vitamin B9 hữu ích trong việc điều trị các chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn tinh thần và tình cảm. Đây cũng là những vấn đề về sức khỏe khá phổ biến hiện nay.
Tổng hợp ADN: Được coi là một coenzyme, Vitamin B9 góp phần hiệu quả trong các hoạt động quan trọng của cơ thể, như sự tổng hợp ADN.
Folic acid kết hợp với vitamin B12 giúp sản sinh tế bào máu chống bệnh thiếu máu. Folic acid là chất xúc tác cho nhiều loại dược phẩm, giảm tác dụng phụ có hại cho cơ thể, rất cần cho những người thường xuyên phải dùng thuốc hoặc phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị nhiều bệnh cùng lúc (thuốc giảm đau, chống co thắt, hạ huyết áp, hạ đường huyết, hạ cholesterol máu, kháng sinh, kháng lao, trợ tim, an thần, nhuận gan, chống động kinh, chống sốt rét…).
Nhu cầu folic acid hàng ngày của cơ thể
Trẻ còn bú: 50mcg, từ 1 đến 3 tuổi: 100mcg, từ 4 đến 12 tuổi: 200mcg, từ 13 tuổi đến người lớn 300mcg, phụ nữ có thai hoặc cho con bú 500mcg (giới hạn an toàn 800mcg).
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ và Hà Lan: Hàng ngày uống 800mcg folic acid sẽ giúp cho người già tăng khả năng nhận thức, duy trì thính lực, tiến bộ về trí nhớ và tổng hợp tin tức.
Quỹ Chăm sóc người cao tuổi Mỹ (CLF) khuyến cáo, người cao tuổi nên bổ sung hàng ngày 400mcg folic acid.
IX. Tác dụng của Vitamin B12 (cobalamin)
Vitamin B12 rất cần thiết cho sự hình thành của tế bào hồng cầu trong hệ thống thần kinh và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Thông thường, những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng thường thiếu hụt loại vitamin này.
Biểu hiện của sự thiếu hụt vitamin B12 chính là viêm lưỡi, viêm da, rụng tóc và làm bạc tóc sớm. Hãy khắc phục hiện tượng này bằng cách bổ sung các loại thịt, cá biển và đậu nành trong những bữa ăn hàng ngày nhé!
1. Vitamin B12 có tác dụng gì tốt với sức khỏe
Ngày nay, người ta biết rằng vitamin B12 chỉ có trong động vật và thực phẩm lên men. Hệ vi khuẩn ruột người khỏe mạnh cũng sản sinh ra một lượng vitamin B12 đủ dùng cho cơ thể. Nhu cầu vitamin B12 của người trưởng thành là 2mcg/ngày.
Vitamin B12 cần thiết cho tất cả các mô có tốc độ sinh trưởng tế bào mạnh (mô tạo máu, ruột non, tử cung…). Vitamin B12 tạo DNA vật liệu di truyền trong tế bào, duy trì tình trạng khỏe mạnh của tế bào thần kinh và hồng cầu, giữ vai trò then chốt trong phát triển hồng cầu.
Vitamin B12 thường dùng để điều trị các bệnh đau thần kinh (như thần kinh tọa, thần kinh vùng cổ, cánh tay…), các bệnh về máu như: thiếu máu ác tính hoặc thiếu máu sau khi cắt dạ dày…
Khi nồng độ vitamin B12 không đủ sẽ gây ra hủy myelin sợi thần kinh, suy giảm chức năng của một số dạng acid folic cần thiết khác trong tế bào, gây bất thường huyết học ở người bệnh thiếu vitamin B 12.
Do đó, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ cần đảm bảo đủ vitamin B12 trước và trong thời kỳ mang thai (nồng độ vitamin B12 trong máu thai phụ trên 300ng/l vào đầu thai kỳ có thể bảo vệ thai nhi tránh dị tật ống thần kinh).
Thai phụ có hàm lượng vitamin B12 trong máu thấp sẽ sinh con hay quấy khóc. Nhiều biệt dược chứa các vitamin và khoáng chất cần cho phụ nữ mang thai như vitamin B12, acid folic (còn gọi là B9), sắt… rất tiện dùng. Người cao tuổi thiếu vitamin B12 dễ bị teo não và suy giảm trí nhớ, trầm cảm.
Chúng ta cần dung nạp đủ vitamin B12 cho cơ thể để tránh tình trạng thiếu máu, các rối loạn thần kinh, tim đập nhanh, rối loạn kinh nguyệt, lở nứt miệng, bực bội…
Cụ thể công dụng:
- Giúp chuyển đổi carbohydrate trong thức ăn thành glucose để tạo ra năng lượng
- Giúp ích trong việc sản xuất tế bào máu và ngăn ngừa thiếu máu nhờ hỗ trợ cấu tạo và tái sinh hồng cầu.
- Giúp giảm nguy cơ tim mạch và bệnh Azheimer.
- Giúp tăng trưởng và kích thích thèm ăn hiệu quả ở trẻ em.
- Tăng cường năng lượng và hỗ trợ duy trì hệ thần kinh trung ương. Giảm bớt sự căng thẳng, bực bội và tăng cường sự tập trung trí nhớ.
- Đặc biệt, giúp phòng ngừa hen suyễn ở trẻ em và chống lại bệnh ung thư có nguyên nhân từ khói thuốc.
Nhóm người cần bổ sung vitamin B12 gồm:
- Người già, người thường xuyên phải ăn chay.
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- Người phải thường xuyên tiếp khách, uống nhiều rượu.
- Vitamin B12 có rất nhiều lợi ích khi bạn đang trong thời kì kinh nguyệt và trước thời kì kinh nguyệt..
Vitamin B12 mang nhiệm vụ tăng cường sức khỏe cho tế bào máu và tế bào thần kinh. Đây là dưỡng chất có trong sản phẩm động vật và trong men cụ thể như trong gan, trứng, sữa, thịt, cá, ngũ cốc.
Liều lượng khuyến cáo là 1,50µg/ ngày cho người lớn, riêng nhóm phụ nữ đang nuôi con cần thêm 0,5µg/ngày.
Bên cạnh đó, Kiến Thức Bệnh còn khuyến cáo cho bạn đọc nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B12 có thể gây bệnh thiếu máu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thần kinh. Nếu dùng đến ngưỡng 3mg/ngày ở người lớn cũng không gây độc cho cơ thể. Do đó, cần bổ sung vitamin B12 đúng cách để cơ thể khỏe và sở hữu làn da đẹp.
Kiến Thức Bệnh gợi ý một số loại thực phẩm có lượng vitamin B12 cao như sò, ngao, hàu, trai, gan, xúc xích Liverwurst, cá, tôm, cua, đậu tương, ngũ cốc, thịt đỏ tươi, thịt cừu, bơ sữa ít béo, phô mai, các loại trứng,…
2. Vitamin B12 có tác dụng gì tốt với làn da
Giúp ngăn chặn mảng tối trên da: Vitamin B12 sẽ giúp bạn đối phó với làn da xỉn màu và khô. Một trong những lý do chính đằng sau làn da khô và xỉn là sự thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể.
Loại vitamin này giúp làn da luôn ngậm nước và duy trì độ ẩm cũng như duy trì kết cấu của da. Nếu bạn sử dụng đúng liều lượng vitamin B12, bạn có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn trên da.
Phục hồi da hư tổn: Dung nạp đúng lượng vitamin B12 mà cơ thể cần có thể giúp chữa lành làn da đang bị hư hỏng, giúp làn da trở nên tươi và rạng rỡ hơn.
Điều trị làn da bị nhợt nhạt, thiếu sức sống: Vitamin B12 giúp kiểm soát sự hình thành các tế bào trong cơ thể và cũng làm tang tuổi thọ của tế bào.
Đối với những người có làn da nhợt nhạt, bạn nên xem xét việc sử dụng vitamin B12 vì nó giúp tăng cường ánh sang sức sống từ bên trong. Theo thống kê, khoảng 70% người rối loạn da thường thiếu vitamin B12 trong cơ thể.
Ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa da: Nếu bạn đang mong muốn sở hữu làn da trông trẻ hơn so với tuổi thật, bạn nên bổ sung vitamin B12 vào chế độ ăn uống vì nó giúp bạn có làn da tươi trẻ. Lượng vitamin B12 sẽ ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa và sự xuất hiện các nếp nhăn trên khuôn mặt.
Ngăn ngừa bệnh chàm và bạch biến: Vitamin B12 giúp điều trị bệnh chàm, cũng như giết chết các vi rút trong cơ thể dẫn đến bệnh chàm. Bạn chỉ cần bổ sung đầy đủ vitamin B12 cũng giúp điều trị bệnh bạch biến ở người. Trong đó, bệnh bạch biến là tình trạng da xuất hiện các mảng trắng trên da.
Tăng cường độ khỏe và cứng cho móng: Khoảng 60% số người bị móng tay giòn và yếu do thiếu vitamin B12. Để tăng độ khỏe và cứng cho móng tay, bạn nên bắt đầu việc sử dụng thức ăn giàu vitamin B12.
Giúp ngăn ngừa rụng tóc: Vitamin B12 không chỉ tốt cho cơ thể mà còn giúp ngăn ngừa rụng tóc. Rụng tóc sớm do thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể. Việc thiếu vitamin quan trọng này khiến nang long bị suy dinh dưỡng, dẫn đến rụng tóc và cản trở sự tăng trưởng của tóc.
Thúc đẩy tăng trưởng tóc: Nếu bạn bị rụng tóc hoặc tốc độ mọc tóc chậm, bạn nên tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều vitamin B12 vì nó giúp thúc đẩy sự tăng trưởng tóc trong cơ thể. Khi cơ thể hấp thụ vitamin B12, các nang tóc bắt đầu nhận dinh dưỡng và protein, hỗ trợ việc tái tạo lượng tóc đã bị rụng.
Hỗ trợ sắc tố của tóc: Melanin là một dạng axit amin, còn được gọi là tyrosine, là yếu tố quan trọng hỗ trợ sắc tố và màu tóc. Nếu cơ thể hấp thụ đầy đủ lượng vitamin B12, nó sẽ hỗ trợ hình thành melanin để cải thiện sắc tố và duy trì màu tóc ban đầu của bạn.
Duy trì mái tóc khỏe mạnh: Vitamin B12 giúp cơ thể sản xuất đúng loại protein và vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp kích thích sự phát triển tóc và bảo vệ tóc khỏi mọi tác nhân gây hư hỏng.
Loại vitamin này cũng rất quan trọng cho việc phát triển hệ thống thần kinh và sự hình thành các tế bào máu trong cơ thể. Nếu thiếu hụt loại vitamin này, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sức sống của mái tóc.
Với những tác dụng tuyệt vời trên của vitamin B như vậy, bạn đã biết cách bổ sung nguồn vitamin nhóm B này cho cơ thể mình chưa?